Kiểm soát chặt chất lượng thuốc chữa bệnh
Tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn xuất hiện trên thị trường với tần suất thường xuyên và quy mô ngày càng lớn. Điều đó cho thấy công tác kiểm soát chất lượng thuốc nói chung và ngăn chặn thuốc giả nói riêng cần phải được thực hiện thường xuyên, cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng liên quan.

Để bảo đảm sức khỏe, bệnh nhân nên lựa chọn mua thuốc ở những nhà thuốc uy tín. (Ảnh THẾ KHẢI)
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang ngày càng phát triển, đạt khoảng 8 tỷ USD với sự tham gia của nhiều hãng dược trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát chất lượng thuốc, chống hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang là thách thức, là mối quan tâm lớn của các cơ quan chức năng và người tiêu dùng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những năm trở lại đây, tỷ lệ thuốc giả và thuốc không đạt chất lượng phát hiện (chiếm dưới 0,1%) tổng số thuốc được kiểm tra. Tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, khoảng 10% thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, thuốc giả không chỉ xuất hiện ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa mà còn ngay tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Trên các sàn thương mại điện tử, thuốc giả được rao bán công khai, từ loại điều trị bệnh mãn tính, kháng sinh, bệnh nan y đến thuốc giảm cân, tăng cường sinh lý, thuốc đông y.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Cao Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, hiện nay hệ thống kiểm nghiệm mới kiểm tra được hơn 500 hoạt chất trong tổng số hơn một nghìn chất tân dược đang lưu hành trên thị trường. Lực lượng cán bộ của hệ thống làm công tác hậu kiểm còn hạn chế với hơn 2.000 cán bộ, thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu tại viện và trên thị trường.
Bên cạnh đó, hệ thống kiểm nghiệm hiện nay chưa đủ trang thiết bị và chất chuẩn để kiểm nghiệm. Trong khi đó, tỷ lệ mặt hàng thuốc được sản xuất và lưu hành trên thị trường ngày càng tăng, có nhiều mặt hàng có dạng bào chế mới, hoạt chất mới và các thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc được sản xuất bằng công nghệ cao (nanosome, liposome...). Việc lấy mẫu dược liệu và xử lý trong trường hợp dược liệu vi phạm chất lượng còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù của dược liệu rất khó truy tìm được nguồn gốc xuất xứ.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, thuốc giả và kém chất lượng không chỉ là sản phẩm không có tác dụng điều trị, mà còn chứa hoạt chất sai liều, sai thành phần, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc “không khỏi bệnh”, mà còn gây biến chứng nặng nề, gây nhiễm độc lên gan, thận thậm chí gây tử vong.
Tiến sĩ Lê Minh Phú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 cho rằng, dù hệ thống quản lý thuốc đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tồn tại kẽ hở trong giám sát sản xuất, phân phối và lưu hành thuốc. Việc truy xuất nguồn gốc thuốc còn khó khăn, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh online. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu kiến thức trong việc phân biệt thuốc thật-giả, thường mua thuốc từ những nơi không bảo đảm uy tín, không có kê đơn, không kiểm tra thông tin sản xuất...
Tăng thể chế và xử lý nghiêm minh
Thuốc giả tồn tại và phát triển không chỉ do những kẻ làm ăn phi pháp, mà còn do những lỗ hổng trong hệ thống quản lý, hệ thống giám sát, kiểm định thuốc hiện nay vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu nhân lực và phương tiện hiện đại trong khi hoạt động phân phối thuốc ngày càng phân tán và đa dạng.
Nhiều trường hợp bị phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính, hoặc khung hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Cùng với tâm lý “tiện đâu mua thuốc đó”, “rẻ là được”, không cần bác sĩ kê đơn thuốc đã vô tình tiếp tay cho nạn thuốc giả hoành hành.
Giải pháp cho vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng cần chế tài thật mạnh để đủ sức răn đe. Để giải quyết triệt để tình trạng thuốc giả, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ từ các cơ quan chức năng, siết chặt từ khâu sản xuất đến phân phối, kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu thuốc, bảo đảm tất cả các thuốc lưu hành phải có giấy tờ đầy đủ đạt tiêu chuẩn chất lượng...
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, giải pháp cho vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng cần chế tài thật mạnh để đủ sức răn đe. Để giải quyết triệt để tình trạng thuốc giả, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ từ các cơ quan chức năng, siết chặt từ khâu sản xuất đến phân phối, kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu thuốc, bảo đảm tất cả các thuốc lưu hành phải có giấy tờ đầy đủ đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ số sử dụng mã QR, tem điện tử… nhằm truy xuất nguồn gốc thuốc; quản lý chặt hoạt động bán thuốc trực tuyến, siết chặt quy định pháp lý về việc rao bán thuốc trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...
Theo Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý dược (Bộ Y tế), Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định việc kinh doanh thuốc online; rà soát, xây dựng các cơ chế và phân công trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị liên quan trong việc kiểm soát thuốc sản xuất, lưu hành thuốc nói chung và việc quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng internet. Tăng cường tuyên truyền, phối hợp với truyền thông để cung cấp thông tin về thuốc giả để người dân biết và không sử dụng; thay đổi thói quen của người bệnh về việc tự mua thuốc và điều trị.
Trường hợp có bệnh, phải đến khám và điều trị, mua thuốc tại cơ sở y tế đã được cơ quan chức năng cấp phép; đồng thời, có các biện pháp khuyến khích người dân cung cấp thông tin khi phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu về ngành dược; công bố thông tin đầy đủ về thuốc được cấp phép lưu hành (bao gồm cả thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc và nhãn thuốc); tạo điều kiện để người dân dễ dàng tra cứu, đối chiếu.
Bộ tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Quản lý thương mại điện tử… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong buôn bán, quảng cáo thuốc, bao gồm cả thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.