Kiểm soát an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ

Với mục tiêu đẩy mạnh việc sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng vùng nông nghiệp sản xuất an toàn, quy mô lớn. Qua đó, tao ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Phát huy hiệu quả mô hình nông nghiệp an toàn

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà, nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm 2013, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà được thành lập, chuyên trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Với mục tiêu phát triển sản phẩm rau an toàn chất lượng cao, hợp tác xã đã chủ động xây dựng chuỗi khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vững bước trên thị trường tiêu thụ. Đến nay, đơn vị có khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao rộng 1,15ha và đã lắp đặt được gần 8.000m2 nhà màng nông nghiệp, cùng với hệ thống tưới phun tự động; 2 kho nhà lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ...

Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Quang Thái

Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Quang Thái

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng, từ năm 2017, hợp tác xã chuyên sản xuất rau thủy canh, áp dụng mô hình công nghệ Israel, cho hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ đầu năm 2023, hợp tác xã chuyển đổi hoàn toàn từ trồng rau sạch sang trồng cây dưa lưới, cho doanh thu khoảng 150-160 triệu đồng/vụ. Việc trồng rau, dưa lưới theo hướng công nghệ cao không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp hợp tác xã quản lý được dịch bệnh, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản xuất rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát. Ảnh: Phương Xuyến

Sản xuất rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát. Ảnh: Phương Xuyến

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện toàn thành phố có hơn 5.000ha rau an toàn; trong đó có 43 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS), với tổng diện tích 1.700ha. Duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP; 181ha nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP; gần 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 285 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố tiếp tục duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. “Nhìn chung việc sản xuất theo hướng an toàn, không chỉ giúp người dân tiêu thụ với giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm theo hướng truyền thống, mà còn giúp các ngành chức năng trong vấn đề quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Hà Nội xây dựng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng. Ảnh: Hương Giang

Hà Nội xây dựng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng. Ảnh: Hương Giang

Kiểm soát từ sản xuất tới bàn ăn

Để tiếp tục mở rộng và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cho biết, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay cho các hộ sản xuất an toàn để mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân trong sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản bán trên thị trường. Ảnh: Tùng Nguyễn

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản bán trên thị trường. Ảnh: Tùng Nguyễn

Để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ nơi sản xuất đến bàn ăn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, huyện đã và đang quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, như: Vùng trồng rau an toàn, thủy sản, cây ăn quả tập trung, vùng trồng lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ký cam kết sản xuất và kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, các cơ sở thực hiện tốt công tác giám sát hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, vật tư nông nghiệp, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề. Ngoài ra, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm..., qua đó xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Nhiều vùng nông nghiệp an toàn của Hà Nội được chứng nhận. Ảnh: Hương Giang

Nhiều vùng nông nghiệp an toàn của Hà Nội được chứng nhận. Ảnh: Hương Giang

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm, bởi thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, giảm uy tín hàng hóa, chất lượng thực phẩm của Việt Nam, gây tổn thất lớn về kinh tế. Do đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, địa phương thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố để kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tu-san-xuat-den-tieu-thu-685180.html
Zalo