Kiểm soát an toàn thực phẩm: Từ mô hình đến thực tế

Hiện nay, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng, triển khai hiệu quả nhiều mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm.

Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh và ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm.

Đoàn công tác quận Long Biên kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh trên phố Trạm - “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Ảnh: Hà Linh

Đoàn công tác quận Long Biên kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh trên phố Trạm - “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Ảnh: Hà Linh

Giám sát chất lượng từ khâu sản xuất

Để tăng cường công tác quản lý thức ăn đường phố, nâng cao ý thức của người dân về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ năm 2018, thành phố Hà Nội đưa vào triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Đan Phượng, với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đến nay, sau 6 năm triển khai, thành phố đã xây dựng và duy trì được 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện và có tới 873 cơ sở kinh doanh tham gia.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, các mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm đối với người bán hàng.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do các xã, phường trên địa bàn thực hiện tốt việc kiểm soát. Ngoài ra, thị xã triển khai hiệu quả mô hình, đề án an toàn thực phẩm, được người dân ủng hộ. Chẳng hạn như: Mô hình “Khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm” tại Khu đô thị HUD - Sơn Tây, phường Trung Hưng; mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 9 phường; bảo đảm an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 2 tuyến phố là phố Đinh Tiên Hoàng (phường Ngô Quyền) và phố Phú Hà (phường Phú Thịnh); duy trì kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người tại 15 xã, phường… Phần lớn cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát đều có vật dụng như: Găng tay, dụng cụ gắp thức ăn để bảo đảm vệ sinh. Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố bắt buộc phải có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm bảo đảm điều kiện về an toàn theo quy định.

Chị Nguyễn Đỗ Phương Thu (thị xã Sơn Tây) cho biết, hiện nay trên địa bàn thị xã triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm đã tạo địa chỉ an toàn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh đẹp của tuyến phố đối với người tiêu dùng.

Tương tự, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, huyện Thanh Trì cũng thực hiện mô hình tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát. Theo đó, huyện yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên các tuyến phố thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm. Các đơn vị trên địa bàn huyện phải tham gia duy trì tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát; tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm tại tuyến phố. Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố thực hiện đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm...

Nhân rộng các mô hình

Để phát huy hiệu quả mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường, thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm tại các tuyến phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kiên quyết xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường tập huấn, phổ biến, tư vấn cho người quản lý, người chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc đối tượng quản lý trên địa bàn về kiến thức, an toàn thực phẩm. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các tuyến phố cần đầu tư đủ nguồn lực, chủ động chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp với việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống các sự cố về an toàn thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, các ban, ngành trên địa bàn tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, người tiêu dùng về sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các địa phương tiếp tục xây dựng thêm nhiều tuyến phố đạt chuẩn “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện bảo đảm biện pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Việc xây dựng các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát góp phần quan trọng đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống ở các địa phương đi vào nền nếp. Điều này giúp người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng hơn khi sử dụng thực phẩm.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tu-mo-hinh-den-thuc-te-679565.html
Zalo