Kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng thị trường trong và ngoài nước

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh việc cập nhật các quy định, yêu cầu kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm cho các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn Thủ đô.

Kết quả là đã nâng cao chất lượng, gia tăng chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở thị trường trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Tọa đàm “Cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước”, tháng 8-2024. Ảnh: Hương Giang

Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Tọa đàm “Cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước”, tháng 8-2024. Ảnh: Hương Giang

Nhiều rào cản kỹ thuật thương mại

Theo Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa, thời gian qua, việc mở cửa thị trường, thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng được cắt giảm thuế, thậm chí nhiều mặt hàng còn được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, các sản phẩm của Việt Nam phải phù hợp với các đối tượng thị trường khác nhau, đáp ứng nhiều quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực, động vật...

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trương Thùy Linh, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, nhất là khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ thông qua các hiệp định thương mại tự do. Hiện tại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 253 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Ngoài các vụ việc khởi xướng mới, có rất nhiều vụ việc đã có hiệu lực và đang tiếp tục được rà soát, tạo ra áp lực đối với Chính phủ và các doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập và hằng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế, nên nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn. Trong khi đó, thị trường Hà Nội có đa dạng nguồn cung hàng hóa, thực phẩm, nông, lâm, thủy sản, nên vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm là hết sức quan trọng. Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của ngành Nông nghiệp thường xuyên được cập nhật các thông tin, nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, những quy định, yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xu hướng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết”, ông Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh.

Tuân thủ các điều kiện về an toàn thực phẩm

Để có thể đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài nước, bà Lê Lan Hương, đại diện Phòng An toàn thực phẩm (Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT) cho rằng, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần thiết lập quy trình tự kiểm tra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tuân thủ quy định, yêu cầu của Việt Nam và các thị trường nhập khẩu. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề giám sát nguyên liệu đầu vào, có dữ liệu tất cả vùng nguyên liệu thu mua phục vụ chế biến để chứng minh, trong trường hợp cần kiểm tra hay truy xuất lại lô hàng liên quan đến kiểm tra mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Theo Giám đốc Kiến tạo giá trị chung - Công ty WinCommerce - chuỗi bán lẻ Winmart Nguyễn Thị Thu Hương, các chuỗi bán lẻ hiện đại đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển thương hiệu, hàng hóa sản phẩm nông sản vùng, miền của Việt Nam tại thị trường nội địa cũng như là điểm tựa để nông sản Việt vươn ra thị trường quốc tế. Hiện các nhà bán lẻ cũng xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn của riêng mình về sản phẩm, như sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất xanh, sạch. Do đó, các nhà sản xuất muốn tiếp cận kênh này cần nắm bắt thông tin và tuân thủ các yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

Còn theo ông Nguyễn Đình Hoa, các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng để đáp ứng các điều kiện của nước nhập khẩu. Đối với thị trường trong nước, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương duy trì thường xuyên công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác giám sát, cảnh báo nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm từ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội…

“Các ngành chức năng sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện; các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh nông, lâm, thủy sản vi phạm quy định, để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn… Khi phát hiện vi phạm, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, như: Đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tịch thu tang vật, tạm dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm; thu hồi các loại giấy chứng nhận đã cấp theo thẩm quyền…”, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-dap-ung-thi-truong-trong-va-ngoai-nuoc-674783.html
Zalo