Kiểm kê tỉ mỉ, kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí nguồn lực tài sản công
Tài sản công là một nguồn lực quan trọng của Đất nước. Do đó, việc tổng kiểm kê tài sản công là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.
Đơn vị kiểm kê chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu
Chiều 20/8, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn công tác này theo hình thức trực tuyến, kết nối với điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, việc thực hiện tổng kiểm kê tài sản công đợt này xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản công.
Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg, thời điểm kiểm kê được ấn định thực hiện là từ 0h ngày 01/01/2025 đến 31/3/2025.
Để đảm bảo công tác tổng kiểm kê tài sản công trên toàn quốc được thực hiện hiệu quả, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8131/BTC-QLCS hướng dẫn thực hiện Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Trong những năm qua, công tác quản lý tài sản công luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã xác định: Kiểm kê, đánh giá đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn trong từng thời kỳ. Đợt tổng kiểm kê tài sản tới đây cũng là một trong các giải pháp để thực hiện quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được Quốc hội giao thực hiện xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước, trong đó, tài sản công là một trong các chỉ tiêu quan trọng trong báo cáo này. Tuy nhiên, số liệu về giá trị tài sản công còn chưa tương xứng với số tiền chi đầu tư phát triển hàng năm đã bỏ ra để hình thành nên tài sản. Do vậy, kết quả tổng kiểm kê sẽ là nguồn thông tin quan trọng để phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước.
Ở lần kiểm kê này, Quốc hội yêu cầu thực hiện kiểm kê đối với 02 loại tài sản có ảnh hưởng lớn nhất tới nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Tài sản công khu vực hành chính sự nghiệp; Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị kiểm kê lưu ý làm kỹ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu kiểm kê tại đơn vị mình.
Đối với các đơn vị tổng hợp thì chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra tính logic, tính hợp lý của số liệu kiểm kê của các đơn vị mình tổng hợp; bảo đảm số liệu báo cáo là chính xác nhất trước khi thực hiện tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với lực lượng nòng cốt là cơ quan quản lý tài sản công các cấp, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng yêu cầu: “Các đơn vị phải kiểm kê tỉ mỉ, kỹ lưỡng để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí nguồn lực tài sản công tài sản công. Cùng với đó, chung tay với Bộ Tài chính để có được kết quả tổng kiểm kê chính xác nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.”
Kiểm kê thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc
Thông tin các nội dung cơ bản về tổng kiểm kê đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản đã nêu rõ 5 quan điểm chính cần lưu ý trong triển khai tổng kiểm kê toàn quốc. Cụ thể:
Một là, việc tổng kiểm kê phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Hai là, tài sản thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê, tổng hợp số liệu để báo cáo tổng hợp chung. Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Ba là, việc kiểm kê được thực hiện theo chỉ tiêu hiện vật và giá trị của tài sản, ghi nhận hiện trạng quản lý, sử dụng đối với tài sản công tại thời điểm kiểm kê.
Bốn là, các tài sản có sự trùng lắp về cách phân loại giữa các loại tài sản thuộc phạm vi kiểm kê thì chỉ xếp vào một loại tài sản để kiểm kê.
Năm là, những tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng tại thời điểm kiểm kê chưa chuyển giao cho doanh nghiệp thì thực hiện kiểm kê theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Mục tiêu của việc tổng kiểm kê đợt này là phải xác định thực trạng cả về hiện vật và giá trị để trả lời câu hỏi của Quốc hội, số tiền đã chi cho đầu tư phát triển hàng năm của Nhà nước đã hình thành nên những tài sản gì, ở lĩnh vực nào và thực trạng ra sao, từ đó, xác định rõ nguồn lực phục vụ cho việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược, giải pháp cho công tác quản lý, sử dụng tài sản công cũng như cho mục tiêu phát triển - kinh tế xã hội giai đoạn mới”, Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh cho biết.
Đồng thời, tổng kiểm kê nhằm xác định được những nội dung được và chưa được trong công tác quản lý để chấn chỉnh, cũng như thông qua tổng kiểm kê để xác định các vấn đề về cơ chế chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu để đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách.
Ngoài ra, qua nắm tình hình tại một số bộ, địa phương thực hiện công tác kiểm kê thử nghiệm, có một số vấn đề trong công tác quản lý, hạch toán tài sản, Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh đề nghị các đơn vị quan tâm, chỉ đạo chấn chỉnh, hoàn thiện để làm cơ sở cho việc thực hiện tổng kiểm kê.
Tới đây, quản lý tài sản công phải được thực hiện trên nền tảng số, hồ sơ số, do đó, công tác kiểm kê tài sản công sẽ giúp công tác số hóa trở nên dễ dàng hơn. Việc kiểm kê tài sản công là một trong các nội dung quản lý về tài sản công và phải được thực hiện định kỳ, vào cuối mỗi năm, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, đây mới là lần thứ 2 thực hiện tổng kiểm kê trên phạm vi cả nước. Đợt tổng kiểm kê lần đầu được thực hiện từ năm 1998 và mới chỉ thực hiện tổng kiểm kê tài sản khu vực hành chính sự nghiệp.