Kịch tính từ cuộc biểu tình của nông dân Đức
Hôm 15-1, khoảng 10.000 nông dân, với khoảng 5.000 máy kéo và xe tải đã tập trung về Thủ đô Berlin để tham gia các cuộc biểu tình tràn ngập đường phố quanh khu vực Cổng Brandenburg nổi tiếng. Họ yêu cầu Chính phủ Đức xem xét lại toàn bộ kế hoạch tăng thuế đối với các hoạt động nông nghiệp.
Biểu tình để thỏa hiệp
Đây là đỉnh điểm của các cuộc biểu tình kéo dài hơn một tuần qua ở Đức. Nông dân đã chặn các lối vào đường cao tốc bên ngoài thành phố cũng như một số tuyến phố chính bên trong. Ở Tây Bắc nước Đức, một số nông dân - được cho là được những kẻ cực đoan cực hữu ủng hộ - đã cố gắng xông vào một chiếc phà mà Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đang trở về sau kỳ nghỉ. Khung cảnh kịch tính gợi nhớ đến các cuộc biểu tình trong đại dịch Covid-19 khi đám đông liên tục tụ tập bên ngoài nhà riêng của các chính trị gia để phản đối những hạn chế mà họ cho là bị thổi phồng quá mức.
Còn lần này, trọng tâm của việc phản đối là kế hoạch của chính phủ nhằm loại bỏ dần việc giảm thuế đối với dầu diesel nông nghiệp sau hơn 70 năm. Người nông dân Đức thường nói rằng họ không thể ứng phó với tốc độ cải cách hay các quy định mới. Đặc biệt, các trang trại nhỏ hơn nói rằng họ có quá ít thời gian để thích ứng với những thay đổi về mặt chính sách.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 13-1 kêu gọi người dân bình tĩnh, trong bối cảnh lo ngại rằng phe cực hữu đang cố gắng thâm nhập vào các cuộc biểu tình. Ông nói thêm: “Chúng tôi đã ghi nhận những lập luận của người nông dân và sửa đổi các đề xuất của mình. Đó là một sự thỏa hiệp tốt”. Chính phủ đã công bố sẽ loại bỏ dần các khoản trợ cấp đó thay vì bãi bỏ tất cả cùng một lúc như kế hoạch ban đầu. Trong các nhượng bộ khác, nhà chức trách đã hủy bỏ kế hoạch bãi bỏ miễn thuế xe cơ giới cho nông dân cũng như giảm thuế đối với các phương tiện mới.
Bài toán về lỗ hổng ngân sách
Trước đó, trong 16 năm nắm quyền, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thực hiện lời hứa với cử tri là họ sẽ tiếp tục sống trong hòa bình, sung túc và họ không có gì phải lo lắng. Khi lên nắm quyền vào tháng 12-2021, chính phủ trung tả hiện tại của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng hứa hẹn sẽ đạt được tiến bộ mà không cần thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, không ai được chuẩn bị cho tác động dây chuyền từ cuộc xung đột ở Ukraine. Mặt khác, Chính phủ nước này đã lên kế hoạch đầu tư 60 tỷ euro để chuyển đổi sang nền kinh tế và xã hội trung hòa carbon. Số tiền còn sót lại từ khoản vay khẩn cấp của chính phủ được phê duyệt trong đại dịch Covid-19 bất ngờ bị đóng băng vì vào tháng 11-2023, Tòa án Hiến pháp Đức đã tuyên bố việc thực hiện ngân sách như vậy là vi hiến.
Hệ quả là, Berlin phải đối mặt với nhiệm vụ bịt lỗ hổng ngân sách trong khi nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái và việc tăng giá năng lượng và thực phẩm đã ảnh hưởng đến mức sống của một bộ phận lớn người dân. Bởi vậy, các khoản thuế bổ sung trong lĩnh vực nông nghiệp là một phần trong gói các biện pháp nhằm bổ sung cho ngân sách nhà nước sau một loạt kế hoạch của liên minh 3 bên cầm quyền bị đổ bể năm ngoái.
Trong hoàn cảnh này, việc tăng thuế và cắt giảm trợ cấp được nhiều người coi là khó tránh khỏi. Trong khi một số người mệt mỏi và cam chịu, những người khác lại tỏ ra tức giận với chính phủ. Đó là một phản ứng nghe có vẻ quen thuộc. Năm 2023, thông tin chính phủ đang có kế hoạch nhanh chóng loại bỏ dần việc sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt với dân chúng Đức. “Mọi người đều nói: “Chúng tôi hiểu rằng mọi thứ phải thay đổi một chút”. Nhưng việc họ cảm nhận được điều đó trực tiếp trong ví, tầng hầm và nhà để xe của mình sẽ là sự thay đổi thực sự khiến mọi người đột nhiên cảm thấy không hài lòng”, nhà phân tích chính trị Ursula Münch, Giám đốc Học viện Giáo dục Chính trị ở Tutzing lý giải.
Theo DW