Kích hoạt tiện ích của xe buýt, metro, 'giải phóng' cho giao thông nội đô
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, 'chìa khóa' để gỡ vướng cho tình trạng tắc nghẽn đô thị chính là phát triển hạ tầng giao thông công cộng.
Cần quyết liệt giải pháp gỡ vướng cho giao thông nội đô
Vấn nạn tắc đường ở Hà Nội ngày một trở nên nhức nhối, gây ảnh hưởng đến sự di chuyển, hoạt động kinh tế, môi trường, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Trong khi, tình trạng ùn tắc kéo dài là do số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi hạ tầng chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.
Lý giải về tình trạng này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân chính là do mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị, gia tăng dân số.
Trong khi đó, tỷ lệ quỹ đất cho giao thông ở Hà Nội trong nhiều năm nay chỉ khoảng 8% và gần đây lên được 10% diện tích đất đô thị, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%, trong khi tỷ lệ phương tiện cơ giới chưa tính vãng lai đã ở mức xấp xỉ 750 xe/1.000 dân.
Tỷ lệ đất dành cho giao thông với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh còn thấp so với quy chuẩn với đô thị lớn, nhất là đô thị đặc biệt. Một đô thị phải có 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10%.
Bên cạnh đó, vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân, nên càng gây áp lực về giao thông. Như Hà Nội cần đạt 30 - 35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, song đến nay mới chỉ đạt 20%, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng .
Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia, ùn tắc giao thông còn do ý thức người tham gia giao thông chưa được nâng cao, quy hoạch đô thị và bố trí dân cư chưa hợp lý; nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt đường; các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt thiết kế.
Những năm qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội liên tục đưa ra các giải pháp, chống ùn tắc giao thông như: phân làn, xóa các điểm đen ùn tắc; xén dải phân cách, mở rộng lòng đường; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng; quy hoạch xây dựng đường vành đai 3; cầu vượt, hầm chui; vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên cuối năm 2021; tăng mật độ mạng lưới và chất lượng dịch vụ xe buýt,...
Tuy nhiên, ông Phan Lê Bình - Trưởng đại diện văn phòng công ty tư vấn OCG, Nhật Bản nhận định việc thực hiện các giải pháp hợp lý, song tốc độ triển khai vẫn chậm, nguồn vốn có hạn nên hiệu quả của các giải pháp chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Quyết liệt kích hoạt tính ưu việt của xe buýt, metro
Theo đó, để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát triển giao thông đô thị cần sớm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng, tới vận tải hành khách công cộng, đa dạng, linh hoạt về phương thức, phủ khắp đô thị.
Chia sẻ tại Hội thảo "Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?", ông Nghiêm Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, cần tập trung vào 4 yếu tố, đó là rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, thời gian tốc độ lữ hành của vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội đang ngày càng giảm, ước chừng mỗi năm giảm được 1km/h, tuy nhiên, tới đây, cần tiếp tục giảm mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu người dân, tăng sự cạnh tranh với các phương tiện cá nhân. Nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên phục vụ trên xe đối với hành khách.
Bên cạnh đó, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng phương tiện, hiện nay các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư, đổi mới phương tiện theo hướng hiện đại, tiện nghi. Tôi cho rằng, với chủ trương của nhà nước tới đây sẽ thay thế phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện xanh, chất lượng sẽ ngày càng nâng cao. Cuối cùng, chú trọng mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ khách của vận tải hành khách công cộng đi đôi với chất lượng.
Do vậy, để thu hút hành khách đối với vận tải hành khách công cộng, cần ưu tiên mặt đường cho xe buýt, cần có giải pháp đảm bảo lối đi bộ an toàn cho người dân di chuyển đến trạm xe buýt và nhà ga đường sắt.
Đặc biệt, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải đảm bảo vấn đề kết nối cho người dân có thể đi xe đạp, xe máy đến nhà ga, trạm xe buýt hoặc sử dụng xe buýt kết nối đến đường sắt đô thị, xe buýt đến tuyến BRT mới có thể gia tăng khách chọn làm phương tiện đi lại.
“Về phía các đơn vị quản lý, đã làm rất nhiều giải pháp để kết nối xe buýt với tuyến đường sắt, BRT, tuy nhiên, thời gian tới cần có giải pháp để kết nối tốt hơn, sao cho tuyến đường sắt 2A kết nối thuận lợi hơn đến tuyến đường sắt số 3”, ông Phan Lê Bình đề xuất.
Ngoài ra, theo ông Bình, để xe buýt hấp dẫn hơn, ngoài việc ưu tiên hơn cho xe buýt, metro, cần có phương án "tạo khó khăn" thêm cho các phương tiện cá nhân", ông Bình nói và gợi ý việc tạo rào cản với phương tiện cá nhân bằng cách hạn chế chỗ đỗ xe, và kiểm tra xử lý nghiêm ngặt, đảm bảo chỉ những nơi được quy định chính quy mới được đỗ.
"Tôi nghĩ đó là cứu cánh cho giao thông thành phố. Nếu không có chỗ đỗ, họ sẽ dùng phương tiện công cộng. Đồng thời, cần tăng cường xử phạt xe máy, ô tô đỗ không đúng nơi quy định", chuyên gia Bình chia sẻ
Bên cạnh đó, ngoài giải pháp công trình, Giao thông vận tải đang đẩy mạnh giao thông thông minh thông qua nâng cấp, mở rộng mạng lưới camera giám sát, tối ưu hoạt động của đèn tín hiệu từ các trục giao thông chính đã kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Ngoài ra, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn để phân tích, hướng tới điều chỉnh giao thông...