Kích hoạt tiềm năng ngành cơ khí – chế tạo

Trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu liên tục biến động, ngành cơ khí - chế tạo Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trụ cột chiến lược.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Không chỉ là nền tảng cho nhiều ngành sản xuất, ngành cơ khí - chế tạo còn là động lực tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ cho công nghiệp Việt Nam. Đây là nhận định của chuyên gia, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn công nghiệp chiến lược M-TALKS 2025 tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 24/7.

Một số chuyên gia cho biết, hiện khu vực chế biến - chế tạo đang tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp và GDP quốc gia và đây là cơ hội bứt phá chuỗi giá trị ngành cơ khí - chế tạo Việt Nam trong bối cảnh thuế quan và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn thế nữa, làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra những điều kiện thuận lợi có thể xem là “bệ phóng” cho ngành cơ khí Việt Nam phát triển bền vững, cũng như kết nối thị trường toàn cầu.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 tăng 9,2% so với cùng kỳ trong đó ngành chế biến - chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tốc độ phục hồi mạnh mẽ, cùng làn sóng đầu tư máy móc và mở rộng xuất khẩu. Đặc biệt, lĩnh vực này thu hút hơn 12 tỷ USD FDI trong 6 tháng đầu năm 2025, chiếm 55,6% tổng vốn đăng ký, đã cho thấy sức hút mạnh mẽ từ chuỗi giá trị sản xuất tại Việt Nam.
Song song đó, hàng loạt dự án đầu tư công quy mô lớn đang được triển khai mạnh mẽ trên khắp cả nước như dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với tổng chiều dài hơn 2.063 km đang trong giai đoạn hoàn thiện nhiều đoạn tuyến trọng điểm, kết nối từ Bắc vào Nam. Hay có thể kể đến dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được đánh giá là một trong những dự án hạ tầng hàng không lớn nhất Đông Nam Á, cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu hoàn thành giai đoạn trước cuối năm 2025.
Với công suất thiết kế 25 triệu hành khách mỗi năm, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng ở khu vực phía Nam, gia tăng khả năng giao thương và năng lực logistics quốc gia. Những dự án này không chỉ nâng cấp hạ tầng kết nối liên vùng mà còn tạo cú huých lớn về nhu cầu thiết bị, máy móc, giải pháp gia công, tự động hóa và sản xuất chính xác.
Tuy nhiên ở góc độ hiệp hội, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - VASI phân tích, bên cạnh cơ hội là những thách thức ngày càng gia tăng. Cụ thể, mới đây Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam đã áp mức thuế 20% với một số mặt hàng, cùng mức 40% cho sản phẩm bị nghi ngờ trung chuyển từ nước thứ ba. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với chi phí tăng cao, áp lực minh bạch nguồn gốc và rủi ro mất đơn hàng.

Chuyên gia cập nhật thông tin chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Chuyên gia cập nhật thông tin chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Trong khi đó, các Hiệp định Thương mại tự do mới (FTA) thế hệ mới ngày càng siết chặt tiêu chuẩn xuất xứ, chất lượng và quản trị bền vững. Trước bối cảnh này, doanh nghiệp cơ khí - chế tạo Việt Nam không chỉ cần nâng cấp máy móc, mà còn phải chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch chuỗi cung ứng và nâng tầm năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế.

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực triển lãm với sứ mệnh kết nối con người, sản phẩm và thị trường, đồng thời kiến tạo những không gian giao thương hiệu quả, ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại RX Tradex Vietnam (đơn vị tổ chức Triển lãm quốc tế tại Việt Nam về máy công cụ và giải pháp gia công kim loại - METALEX Vietnam) cho hay, triển lãm được tổ chức thường niên qua nhiều năm luôn định hướng là sự kiện công nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á, định hình những xu hướng và xúc tiến đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy, METALEX Vietnam 2025 tiếp tục mang đến hệ sinh thái công nghệ toàn diện phục vụ trực tiếp cho nhu cầu nâng cấp dây chuyền sản xuất, đầu tư máy móc – thiết bị và chuyển đổi số trong nhà máy. Bên cạnh đó, METALEX Vietnam 2025 dự kiến diễn ra từ ngày 1-3/10, được thiết kế như một hệ sinh thái tích hợp, đa dạng hoạt động ứng dụng – kết nối – xúc tiến; trong đó, sẽ có hơn 10 cụm gian hàng quốc tế, với hơn 250 thương hiệu cơ khí hàng đầu từ Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… và dự kiến chào đón hơn 15.000 khách tham quan là đại diện nhà sản xuất, chuyên gia nghiên cứu và phát triển, giám đốc mua hàng và nhà đầu tư... đến từ hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới. “Đặc biệt, đồng hành ngành cơ khí Việt Nam trên bản đồ nâng tầm công nghiệp toàn cầu, METALEX Vietnam 2025 tập trung vào việc mở rộng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp từ chuyển giao công nghệ, tư vấn chiến lược, xúc tiến thương mại… cho đến đào tạo năng lực và chuẩn hóa chuỗi cung ứng. Do đó, mỗi doanh nghiệp, khách tham quan khi đến với METALEX Vietnam 2025 sẽ không chỉ cập nhật được những công nghệ mới nhất, mà còn có thể tìm thấy cho mình những đối tác phù hợp, chiến lược hợp tác hiệu quả và những định hướng cụ thể để mở rộng quy mô, tăng tốc phát triển và thích ứng với bối cảnh cạnh tranh mới”, ông Trần Hồng Quân chia sẻ thêm. Về phía cơ quan quản lý địa phương, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh - CSID cho rằng, sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm không chỉ là sân chơi công nghệ, mà còn là điểm chạm chiến lược để doanh nghiệp ngành cơ khí Việt bứt phá, nâng cao năng lực sản xuất và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi trước làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển dịch dòng vốn và gia tăng rào cản thương mại, thì nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang dừng lại ở vai trò gia công, chưa làm chủ công nghệ lõi hay phát triển thương hiệu riêng.

Mỹ Phương/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kich-hoat-tiem-nang-nganh-co-khi-che-tao/381595.html
Zalo