Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán tháng 1/2025
SHS kỳ vọng thị trường sẽ vượt lên xu hướng tích lũy kéo dài trong năm 2024, dựa trên kỳ vọng vào kết quả tăng trưởng kinh doanh quý 4/2024 và triển vọng năm 2025 tích cực.
VN-Index kết thúc năm 2024 ở mức 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với thời điểm cuối năm 2023; trong khi VN30 ở mức 1.344,75 điểm, tăng 18,85%. Xu hướng tăng trưởng tích cực tập trung nhiều ở nhóm vốn hóa lớn, ngân hàng, và nổi bật nhất ở nhóm công nghệ - viễn thông.
Thanh khoản cũng cải thiện tốt trong năm 2024. Mặc dù khối lượng giao dịch trên HoSE không biến động nhiều so với năm 2023 (giảm 1,3%); tuy nhiên thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình vẫn tăng tốt, đạt khoảng 21.500 tỷ đồng/phiên (tăng 21%), nhờ ảnh hưởng tích cực của VN30.
Tính riêng trong tháng giao dịch cuối năm, thị trường nhìn chung vẫn ghi nhận trạng thái tăng điểm, tiếp diễn đà hồi phục từ vùng đáy 1.200 điểm. Mặc dù chỉ số liên tục kiểm nghiệm thất bại kháng cự 1.275 điểm và hình thành các nhịp điều chỉnh lớn từ đỉnh; tuy nhiên xu hướng tăng ngắn hạn từ cuối tháng 11 vẫn được hỗ trợ bởi đường SMA20 phiên.
Giá trị giao dịch tháng 12 đạt 258.000 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với mức 256.000 tỷ đồng trong tháng 11 và tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm. Trong tháng, mặc dù áp lực bán không lớn khi chủ yếu là hoạt động bán chốt lời, hạ tỷ trọng nhưng lực mua chỉ tham gia yếu ớt ở những vùng giá thấp, kìm hãm đà tăng của chỉ số. Khối ngoại giao dịch thận trọng và thu hẹp quy mô bán ròng với giá trị 1.800 tỷ đồng, giảm mạnh 85,2% so với tháng trước.
Mặc dù thanh khoản thấp khiến dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm ngành nhưng nhóm ngân hàng tăng điểm đã củng cố cho xu thế tăng giá ngắn hạn của thị trường. Đáng chú ý có thể kể đến HDB, LPB và STB tăng trên 10% và xác lập mức giá cao nhất lịch sử. Ngoài ngân hàng, dòng tiền cũng tham gia tích cực ở một số nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như công nghệ, truyền thông và xây dựng. Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản diễn biến kém khả quan khi nhiều cổ phiếu ở trạng thái điều chỉnh hoặc đi ngang biên hẹp.
Dòng tiền có thể tiếp tục phân hóa
Theo nhận định của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), mức tăng của VN-Index trong năm 2024 khá tốt, trong bối cảnh nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ như nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, lãi suất ổn định trên nền thấp, vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế. Bên cạnh đó là những yếu tố rủi ro, bất định như nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường không có nguồn cung chất lượng mới; tỷ lệ dự nợ vay ký quỹ ở mức cao; căng thẳng địa chính trị trên thế giới; diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ.
Xu hướng ngắn hạn, SHS cho rằng VN-Index đang tăng trưởng từ vùng hỗ trợ 1.265 điểm. Chỉ số đang gặp vùng kháng cự gần nhất 1.280 điểm và có thể chịu áp lực rung lắc điều chỉnh, tích lũy. Xu hướng trung hạn, VN-Index duy trì trong kênh tích lũy rộng tính từ đầu năm đến nay trong vùng 1.200 điểm đến 1.300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm. SHS kỳ vọng thị trường sẽ vượt lên xu hướng tích lũy kéo dài trong năm 2024, dựa trên kỳ vọng vào tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 4/2024 và triển vọng năm 2025 tích cực.
Trong tháng 1/2025, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) nhận định, dòng tiền có thể tiếp tục phân hóa và tìm đến những cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4 tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô cả năm 2024 cũng sẽ được công bố. Những sự kiện này có thể tác động đến xu hướng của thị trường và diễn biến các nhóm ngành trong thời gian tới.
Đơn vị phân tích đưa ra hai kịch bản thị trường tháng 1. Kịch bản 1, VN-Index sẽ dao động trong khung 1.250 - 1.300 điểm; nhà đầu tư có thể giao dịch ngắn hạn theo biên dao động. Kịch bản 2, chỉ số vượt 1.300 điểm; nhà đầu tư chờ đợi những diễn biến điều chỉnh kiểm nghiệm lại vùng điểm số này để tìm điểm giải ngân.