Kỉ nguyên vươn mình, sự chuyên nghiệp của nhà giáo là nền tảng cho đổi mới GD

Phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trong bối cảnh thế giới đang không ngừng thay đổi và khát vọng của dân tộc bước vào kỉ nguyên vươn mình, đổi mới giáo dục càng trở nên vô cùng quan trọng và là nhân tố cốt lõi để xây dựng một xã hội văn minh và phát triển bền vững.

Đặc biệt hiện nay, công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết, nhất là đối với chất lượng đội ngũ nhà giáo – những người trực tiếp chèo lái con thuyền tri thức của đất nước.

Phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp không chỉ là một chiến lược dài hạn mà còn là nhu cầu bức thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ngay hôm nay.

Nhà giáo trong bối cảnh đổi mới giáo dục

Nhà giáo không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà là người khơi dậy cảm hứng học tập, để phát triển toàn diện con người. Trong kỉ nguyên mới – kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của nhà giáo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

 Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Trước hết, để chất lượng giáo dục và đào tạo chuẩn từ mọi khía cạnh thì nhà giáo nhất định phải chuyên nghiệp.

Để nhà giáo chuyên nghiệp cần nhiều yếu tố, như:

Một là, nhà giáo là người hiểu biết sâu sắc về người học và quá trình phát triển của người học. Đây là một năng lực giúp nhà giáo thấu hiểu nhu cầu học tập, tâm lý, và bối cảnh xã hội của từng học sinh. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén trong việc quan sát và xây dựng mối quan hệ tin cậy với học sinh. Để được như vậy công tác đào tạo và bồi dưỡng cần chuyên nghiệp và cần thường xuyên, liên tục.

Hai là, nhà giáo là người hiểu biết sâu sắc không chỉ nội dung của từng môn học mà còn cả hệ thống kiến thức liên quan. Hiểu biết về kiến thức chuyên môn và am hiểu mục tiêu giáo dục là nền tảng để nhà giáo tổ chức các bài học hiệu quả, sáng tạo.

Ba là, nhà giáo là người hiểu biết sâu sắc về công việc giảng dạy. Nhà giáo không chỉ dừng lại ở một vài phương pháp hay kĩ thuật giảng dạy phổ biến, “quen dùng” hay được khuyến khích…, mà quan trọng là nhà giáo làm chủ được nhiều hình thức, sử dụng đa dạng các kĩ thuật, phương pháp giảng dạy; không ngừng sáng tạo cách thức khuyến khích, truyền cảm hứng cho người học.

Ngoài việc giảng dạy, hướng dẫn…, nhà giáo cần thành thạo các phương pháp/kĩ thuật đánh giá kết quả, năng lực... cũng như phương pháp quản lí lớp học, quản lí người học…

Các nhân tố trên cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn trong một tầm nhìn tổng thể về sự chuyên nghiệp trong giảng dạy, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho học sinh.

Để đáp ứng các yêu cầu như vậy, cần quan tâm đầu tư mạnh mẽ đến các “máy cái” tức hệ thống các trường đại học đào tạo giáo viên trong cả nước ngay hôm nay.

Những trở lực

Trong những năm gần đây, có thể nói giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhất là sự thay đổi nhanh chóng, bứt phá hệ thống các trường đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều thách thức lớn trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp:

Trước hết, còn độ chênh lệch rất lớn về chất lượng giữa các vùng miền. Các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trong khi đó ở các thành phố lớn lại đối mặt với áp lực về số lượng học sinh và các yêu cầu xã hội liên quan khác.

Thứ hai, về phương pháp giảng dạy nhiều nơi, nhiều người chưa đổi mới kịp thời. Còn nhiều nhà giáo chưa kịp thay đổi, vẫn còn gắn bó với các phương pháp giảng dạy truyền thống, thiếu sáng tạo và không theo kịp sự thay đổi của chính học sinh…

Thứ ba, công cuộc đổi mới với nhiều yêu cầu mới; nhu cầu và đòi hỏi của phụ huynh học sinh ngày càng nhiều trong khi mô hình quản lí vẫn “truyền thống” đang gây áp lực rất lớn lên đội ngũ nhà giáo.

Nhà giáo thường xuyên đối mặt với khối lượng công việc lớn, từ giảng dạy, đánh giá, đến tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ, dẫn đến không đủ thời gian để đầu tư cho việc tự học và phát triển chuyên môn.

Tất cả những trở lực trên đã tạo nên không khí nặng nề và tâm lí muốn quay về với cách làm cũ là một thách thức lớn cần hóa giải sớm để thông suốt tư tưởng và thuận lợi trong hành động.

Một vài định hướng

Để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp cần dựa trên một số định hướng như:

Thứ nhất, cần bồi dưỡng năng lực hiểu biết về người học. Hiểu biết về người học không chỉ dừng lại ở kiến thức tâm lý giáo dục mà còn bao gồm khả năng nắm bắt những thay đổi về tâm sinh lý, nhu cầu học tập của thế hệ học sinh mới.

Nhà giáo cần được trang bị các kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và đồng hành cùng học sinh trong mọi hoàn cảnh.

Vấn đề này cần quan tâm đầu tiên để thay đổi về cách nhìn cũng như hành động. Không thể xem người học như những thập niên trước để áp đặt cách quản lí và cách dạy bảo…

Thứ hai, cần củng cố kiến thức chuyên môn. Xã hội thay đổi không ngừng, kiến thức một ngày một cập nhật nên một nhà giáo chuyên nghiệp là người không ngừng học tập.

Các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, kết hợp với việc khuyến khích học tập suốt đời, sẽ giúp nhà giáo thích nghi nhanh chóng với những thay đổi của chương trình giáo dục.

Khi nhà giáo xác định học tập là một nhu cầu và yêu quý sự học thì chắc chắn sẽ cảm thấy không áp lực với đổi mới cũng dễ dàng truyền cảm hứng cho người học yêu sự học…

Thứ ba, cần đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong kỉ nguyên công nghệ, nhà giáo cần biết cách sử dụng các công cụ hiện đại để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Việc sử dụng các phương pháp học tập tích cực, như dạy học dựa trên dự án, dạy học phân hóa,… không chỉ giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách sáng tạo mà còn phát triển tư duy phản biện, sáng tạo…

Thứ tư, cần chú trọng đạo đức nghề nghiệp. Giá trị cốt lõi của một nhà giáo chuyên nghiệp nằm ở đạo đức nghề nghiệp. Điều này không chỉ thể hiện qua sự tận tâm trong công việc mà còn qua cách họ truyền cảm hứng cho học sinh, khích lệ học sinh sống có trách nhiệm và hướng tới các giá trị nhân văn.

Thứ năm, để thay đổi căn bản và bền vững, rất cần kiến thiết các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trước hết cần phải quan tâm từ chính sách.

Chính phủ cần ưu tiên đầu tư ngân sách vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt cần quan tâm đến các khu vực còn nhiều khó khăn.

Tiếp đến là các địa phương và nhà trường cần quan tâm phát triển môi trường học tập chuyên nghiệp để tạo điều kiện nhà giáo tham gia các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề, cũng như khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp.

Đồng thời cần tăng cường áp dụng công nghệ vào quản lý và giảng dạy nhằm không chỉ giúp giảm tải công việc cho nhà giáo mà còn nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức giảng dạy.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, cần phải quan tâm thúc đẩy hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, truyền cảm hứng đổi mới và tinh thần sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo Việt Nam.

Tóm lại, sự chuyên nghiệp của nhà giáo là nền tảng cho đổi mới giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập và đổi mới, mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ vai trò của mình, không ngừng học hỏi và sáng tạo để mang đến một nền giáo dục chất lượng và nhân văn.

Ngay lúc này, rất cần sự đồng lòng và quyết tâm của toàn xã hội cũng như tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực từ đội ngũ nhà giáo, để củng cố niềm tin tưởng cùng nhau xây dựng một tương lai giáo dục Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng được kỳ vọng cũng như sẵn sàng bước vào kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hướng Sáng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ki-nguyen-vuon-minh-su-chuyen-nghiep-cua-nha-giao-la-nen-tang-cho-doi-moi-gd-post247497.gd
Zalo