Kĩ năng lái xe qua đường ngập không phải ai cũng biết
Lái xe qua đường ngập nước là việc nguy hiểm, chứa nhiều rủi ro, nên tránh nếu có thể. Nếu bắt buộc phải đi, cần lưu ý để tránh chết máy giữa đường, nước tràn vào động cơ.
Miền Bắc đang có mưa lớn kéo dài, ngập lụt diện rộng, gây khó khăn cho nhiều người đi đường, đặc biệt là khi phải đối mặt với các khu vực ngập nước. Việc đi xe vào vũng nước, để số cao hay vượt xe khác là những sai lầm cần tránh khi lái xe mùa mưa.
Lái xe qua khu vực ngập nước là việc không đơn giản, ngay cả với những người cầm lái nhiều năm. Bánh xe không còn bám với mặt đường, mất lái, xe bị ngập nước... là những trường hợp phổ biến có thể xảy ra nếu tài xế không biết cách xử lý những tình huống bất ngờ khi lái xe qua đường ngập lụt.
Nếu bắt buộc phải đi, cần lưu ý để tránh chết máy giữa đường, nước tràn vào động cơ gây hư hại nghiêm trọng. Dưới đây là một số kinh ngiệm lái xe qua vùng ngập nước.
Đánh giá độ sâu của vùng ngập nước
Trước tiên phải đánh giá được độ sâu vùng ngập nước. Nhiều lái xe bị ăn "trái đắng" do chủ quan bỏ qua bước này và đã cho xe tiến thẳng vào vùng ngập nước. Kết quả là xe bị thủy kích, chết máy giữa đường.
Do đó nếu thấy phía trước là vùng ngập nước nặng hãy cẩn thận đánh giá tình hình trước khi cho xe chạy vào.
Theo thiết kế, mỗi dòng xe có khả năng lội nước khác nhau và tùy thuộc vào vị trí của ống hút gió. Khi mực nước quá gần cổ hút gió có thể bị tràn vào ống hút gió, đi thẳng vào động cơ, khiến động cơ ngưng hoạt động. Do đó, ống hút gió càng cao thì nước càng khó lọt vào.
Để đảm bảo an toàn cho xe khi lội qua vùng nước ngập, tốt nhất tài xế nên nắm rõ khả năng lội nước của xe. Do vậy, sau khi đánh giá tình hình, nếu thấy xe có thể an toàn vượt qua vùng ngập nước thì sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Không tăng/giảm tốc độ đột ngột
Để lái xe đường ngập mà không chết máy, tài xế nên giữ ga đều tay, chạy tốc độ trung bình, lưu ý là không chạy quá nhanh cũng không nên chạy quá chậm. Tuyệt đối không được tăng ga hay giảm ga đột ngột, nếu tăng giảm ga đột ngột nước sẽ dễ dàng tràn vào khoang máy thông qua lưới tản nhiệt hay tràn vào ống xả.
Tài xế lái xe trong điều kiện trời mưa đường ngập tuyệt đối giữ xe di chuyển với tốc độ trung bình, không dừng lại giữa đường. Trong trường hợp bắt buộc phải dừng xe, thay vì giảm ga, tài xế nên giữ đều ga kết hợp với đạp phanh. Việc đồng thời đạp phanh và đạp ga sẽ tránh tình huống xe chết máy giữa đường.
Tắt điều hòa
Tài xế nên tắt điều hòa khi quyết định cho xe chạy vào vùng ngập. Tắt điều hòa, quạt gió ở khoang máy sẽ dừng hoạt động hạn chế tình trạng hút nước đi sâu vào khoang máy. Tắt điều hòa còn giúp giảm tải cho động cơ, giúp xe tập trung toàn lực để vượt qua vùng ngập.
Có thể hạ kính để không khí lưu thông và để tránh trường hợp bị ngộp khi tắt điều hòa trong xe. Ngoài việc tắt điều hòa, tài xế nên tắt luôn các thiết bị điện không cần thiết lúc đi qua vùng ngập như màn hình DVD, loa...
Giữ khoảng cách với xe phía trước
Về cách di chuyển, nên nối đuôi theo xe phía trước trên đoạn đường ngập lụt luôn an toàn hơn so với việc đi song song hoặc vượt làn. Xe phía trước khi di chuyển sẽ tạo hiệu ứng rẽ nước về hai bên trong một khoảng thời gian ngắn, giúp các xe di chuyển đằng sau đỡ ngập bánh hơn, qua đó độ bám của bánh xuống mặt đường không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Lưu ý khi bám đuôi xe trước đi chuyển trên đường ngập lụt, tài xế nên giữ khoảng cách an toàn, chỉ bật đèn pha thấp, giữ tốc độ đều, chậm, quan sát kỹ phần đường phía trước và đèn phanh để phản ứng kịp thời khi xe trước phanh đột ngột.
Đi số thấp
Bước quan trọng tiếp theo trong khi lái xe qua đường ngập nước là chuyển về số thấp để điều khiển phương tiện, bởi khi xe ở số thấp lực kéo sẽ cao. Với xe hộp số sàn, tài xế nên chuyển về số 1 hoặc 2, còn với xe số tự động, tài xế nên chuyển về số D1 hoặc dùng lẫy chuyển số chuyển về số tay 1 hoặc 2.
Chạy giữa tâm đường
Đối với hầu hết các loại đường, phần tâm sẽ được xây cao hơn phần rìa hai bên. Do đó khu vực tâm nước ngập cạn và nông hơn hai bên. Khi lái xe qua đường ngập nặng tài xế nên lưu ý và ưu tiên cho xe đi vào giữa tâm đường nhưng vẫn đảm bảo đúng làn đường để đảm bảo an toàn.
Hạn chế chạy cạnh xe lớn
Lái xe cạnh xe lớn trong điều kiện bình thường vốn đã nguy hiểm, trong điều kiện mưa bão nên tuyệt đối hạn chế chạy cạnh xe lớn, chạy gần xe ngược chiều nhất là xe buýt, xe tải, xe container. Khi tài xế đi gần các xe này nước sẽ văng sang hai bên dễ tràn vào khoang máy và làm hỏng hóc xe.
Không tắt động cơ khi xe mới đi qua vùng ngập
Tài xế nên giữ ga đều khi điều khiển xe qua vùng ngập và đặc biệt là không tắt động cơ sau khi thoát khỏi vùng ngập, nổ máy và di chuyển 10 - 15 phút để nước đã lọt vào khoang máy nhanh chóng bốc hơi ra ngoài.
Kiểm tra và bảo dưỡng xe sau khi lội nước càng sớm càng tốt
Kiểm tra và bảo dưỡng xe sau khi lội nước càng sớm càng tốt. Nước bẩn trên đường ngập dễ gây hại đến sơn xe và gầm xe, vì vậy tài xế nên rửa xe để hạn chế các hỏng hóc bên ngoài. Và cần đi bảo dưỡng hệ thống cơ, hệ thống treo, hệ thống đèn điện để chắc chắn nước không lọt vào bên trong và không gây hại gì cho hệ thống vận hành cho xe. Trường hợp nếu có hư hại thì việc kiểm tra và sửa chữa sớm sẽ giúp cho việc khắc phục hỏng hóc nhanh và dễ dàng hơn.
Lưu ý khi xe bị chết máy
Theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, khi đi vào vùng ngập nước mà không biết độ sâu, lái xe nên đi chậm tránh trường hợp nước vào máy đột ngột sẽ bị thủy kích, cong hoặc gẫy tay biên.
Theo ông Tạch, nếu đi chậm, nước ngập sâu, xe sẽ tự chết máy, khi đó lái xe tuyệt đối không được đề nổ mà hãy gọi cứu hộ hỗ trợ. Nếu lái xe cố tình khởi động lại động cơ, hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động, các piston được trục khuỷu đẩy lên rất nhanh để tiếp tục thực hiện quá trình nén khí. Tuy nhiên lượng nước lọt vào buồng đốt sẽ tác động một lực cực lớn ngược trở lại. Hai lực này sẽ ép tay biên (tay dên) biến dạng.
Nhẹ thì tay biên sẽ bị cong, thành xi-lanh bị trầy xước, nặng thì tay biên bị gãy, dẫn đến chọc thủng thành xi-lanh, phá hủy động cơ và chi phí sửa chữa rất lớn.
So với động cơ xăng, động cơ diesel dễ bị thủy kích và hư hỏng nặng hơn do động cơ diesel có tỉ số nén cao hơn, buồng cháy nhỏ hơn nên lượng nước lọt vào động cơ ít cũng có thể gây thủy kích.
T.M (tổng hợp)