Khuyến sinh vì sự phát triển bền vững

Theo hướng dẫn mới của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ ngày 20-3, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên sẽ không bị xử lý kỷ luật Đảng. Đây là một thay đổi mang tính đột phá, mở đường cho những chính sách khuyến khích dân số sâu rộng hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mức sinh giảm và dân số già hóa nhanh.

Trong nhiều thập niên trước, Việt Nam đã thành công với chính sách kế hoạch hóa gia đình. Nhờ giảm sinh nhanh, nước ta đã khống chế được tình trạng “bùng nổ dân số” thường thấy ở các nước đang phát triển. Với thành tích xuất sắc về kế hoạch hóa gia đình, năm 1999, Liên hợp quốc đã tặng Việt Nam Giải thưởng Dân số.

Tuy nhiên, thành tựu này đi kèm với những thách thức mới. Theo Cục Thống kê, trong suốt gần 15 năm (từ năm 2002 đến năm 2022), mức sinh bình quân của Việt Nam (2,08 con/phụ nữ) giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Tuy nhiên, từ năm 2023 về sau, mức sinh ở Việt Nam có dấu hiệu giảm nhanh.

Năm 2023, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024, thấp hơn mức sinh thay thế cần thiết để duy trì quy mô dân số. Đặc biệt, TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn là 2,08 con/phụ nữ, trong đó TPHCM là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (1,32 con/phụ nữ, năm 2023). Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại.

Ngoài ra, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số (vào năm 2019) và dự báo đến năm 2050, con số này sẽ là hơn 25%. Những con số cho thấy cơ cấu “dân số trẻ” đang dần chuyển sang “già hóa dân số”, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai và tạo áp lực ngày càng lớn lên hệ thống an sinh xã hội, nếu không có biện pháp kịp thời.

Bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 là bước đi hợp lý, đồng bộ với xu hướng tôn trọng quyền tự quyết số con của mỗi cặp vợ chồng, như đề xuất trước đó của Bộ Y tế. Chính sách mới cũng gửi đi thông điệp rõ ràng: Đảng, Nhà nước khuyến khích các gia đình sinh con để đảm bảo sự cân bằng dân số trong dài hạn.

Song, việc bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 chỉ là bước khởi đầu. Để đạt được mục tiêu phát triển dân số bền vững, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện, khuyến khích bằng các chính sách kinh tế, xã hội và văn hóa.

Đó có thể là trợ cấp tài chính đối với các gia đình sinh con thứ 3; mở rộng hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo công lập với chi phí thấp để giúp giảm gánh nặng nuôi dạy con cái, đặc biệt ở các đô thị lớn. Chính sách nghỉ thai sản cũng cần được cải thiện, như kéo dài thời gian nghỉ cho cả cha và mẹ, kèm theo các khoản trợ cấp hợp lý để khuyến khích nam giới tham gia chăm sóc con cái, san sẻ trách nhiệm gia đình.

Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức xã hội về giá trị của việc sinh con. Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt ở các đô thị ngại sinh con vì áp lực kinh tế và công việc.

Các chiến dịch tuyên truyền cần nhấn mạnh vai trò của con cái trong sự phát triển gia đình và xã hội, đồng thời khẳng định cam kết của Nhà nước trong hỗ trợ các bậc cha mẹ. Kinh nghiệm của Hàn Quốc hay Nhật Bản chi hàng tỷ USD cho các chương trình trợ cấp và phúc lợi để tăng mức sinh cũng cần được học hỏi để xây dựng chính sách khuyến khích sinh phù hợp ở nước ta.

Với dân số hơn 100 triệu dân của nước ta hiện nay, việc thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách khuyến sinh sẽ giúp duy trì mức sinh hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Điều đó không chỉ giúp tránh được những hệ lụy của khủng hoảng dân số mà còn là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước.

KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khuyen-sinh-vi-su-phat-trien-ben-vung-post788004.html
Zalo