Khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải
Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng '0' cho đến năm 2050, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải.
Đây là nhận định của Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân tại tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18.9.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, hiện nay các chính sách ưu đãi dành cho các đơn vị tham gia thu gom, xử lý rác thải không ít, được quy định rõ trong Luật bảo vệ Môi trường năm 2020 cùng nhiều văn bản dưới luật khác. Nhưng vấn đề không chỉ là câu chuyện chính sách mà là áp dụng vào thực tế như thế nào.
Nhìn nhận thực tế, việc đốt rác phát điện tràn lan như hiện nay đang gây rất nhiều nguy cơ đến môi trường. Do đó, một mặt cần thẩm định hiệu quả các nhà máy đốt rác phát điện, mặt khác cần làm sáng rõ câu chuyện này, nếu không có cái nhìn đúng đắn thì dễ dẫn đến nhiều địa phương ngầm hiểu đốt rác phát điện đang được khuyến khích. Trong khi đó, trên thực tế, không ít nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính, công nghệ mà vẫn được giao quản lý nhà máy rác, triển khai xử lý rác... Điều này có thể gây nguy hại tới môi trường.
Để thu hút tư nhân vào làm phải có chính sách khuyến khích, đồng thời việc thực hiện chính sách đó phải gắn với kiểm tra, kiểm soát một cách đồng nhất. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, nói về xã hội hóa ngành rác không chỉ là kêu gọi tư nhân vào xử lý, thu gom rác mà phải đề cập đến trách nhiệm của các đối tượng xả rác. "Câu chuyện thu gom, xử lý rác sinh hoạt như hiện nay được hiểu là vấn đề Nhà nước lo, xã hội không chịu trách nhiệm là không được", ông Huân nói.
Do đó, theo ông Huân, để xử lý rác thải hiệu quả, cách tốt nhất là huy động sự tham gia của người dân trong quá trình phân loại rác, là sự đầu tư các nguồn lực cho việc thu gom, xử lý rác thải. Hai việc này phải làm song song, đồng bộ.
Riêng với nguồn lực đầu tư hay thực hiện các dự án thu gom, phân loại, xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại song phải tính tới yếu tố thương mại. Việc lựa chọn các nhà đầu tư bởi vậy cũng là vấn đề cần lưu tâm. Phải lựa chọn nhà đầu tư sở hữu được công nghệ, có thể thay đổi công nghệ tùy theo thành phần rác chứ không phải "bê" nguyên công nghệ từ nước ngoài vào, không tương ứng với đặc thù rác thải của từng địa phương.
Trên cơ sở đó, ông Huân cho rằng, các chính sách đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình xử lý rác thải phải bảo đảm tính dài hạn, phù hợp.