Khuyến khích tái chế rác thải nhựa
Ngày 31-10, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Nhà báo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị 'Truyền thông phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh' khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết: Chất thải và ô nhiễm nhựa là vấn đề cấp bách của môi trường thế giới hiện nay. Các bộ, ban, ngành địa phương và cộng đồng đang tích cực hành động nhằm giảm thiểu chất thải, rác thải nhựa ra môi trường. Điều này nhằm thực thi quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản hướng dẫn và tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hệ thống thu gom, tái chế chất thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tối ưu hóa hệ thống sản xuất tuần hoàn, hướng tới sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, giới thiệu mô hình giảm thiểu rác thải nhựa.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Công ty TNHH Tư vấn E-Policy cho biết, thị trường Việt Nam hiện nay ghi nhận nhiều cơ hội cho sự phát triển của nhựa tái chế. Đầu tiên, cần kể tới khung pháp lý khá toàn diện về quản lý chất thải rắn, quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu, giảm thiểu rác đại dương, Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện nền kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Đặc biệt, cơ chế bắt buộc về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đóng vai trò quan trọng trong cải thiện năng lực tái chế và phát triển thị trường minh bạch hơn.
Các nhà sản xuất cần có trách nhiệm quản lý sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm thu gom, phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm, để chuẩn bị cho tái sử dụng, thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc thải bỏ.
Theo Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Tại Quảng Ninh, lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hằng ngày khoảng 1.300 tấn.
Hướng tới tăng trưởng xanh, chính quyền và người dân Quảng Ninh đang chung tay xây dựng và triển khai hành động cụ thể nhằm giữ gìn môi trường sống trong lành, ưu tiên sử dụng nguồn tài nguyên có thể tái tạo, hạn chế xả thải, tăng cường tái chế rác thải. Mục tiêu của Quảng Ninh là phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả nguồn lực nội sinh và giảm phát khí thải nhà kính, tiến tới nền kinh tế carbon thấp. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ là một địa phương dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, xây dựng tỉnh là nơi cần đến và đáng sống.