Khuyến khích nhà khoa học dám nghĩ, dám làm
Thời gian qua, một trong những vướng mắc đối với các nhà khoa học là chưa có quy định, cơ chế rõ ràng về rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn đã tạo khung pháp lý cơ bản để bảo vệ các nhà khoa học, nhưng lại chưa có quy định chi tiết về quản lý rủi ro, chưa đề cập các nghiên cứu có tính rủi ro cao.
Bởi vậy, các cơ quan quản lý và dư luận xã hội đều quan niệm các nhiệm vụ nghiên cứu được nhà nước tài trợ phải thành công, và không thành công sẽ bị coi là lãng phí, gây thất thoát ngân sách nhà nước, chủ nhiệm đề tài sẽ phải chịu thu hồi kinh phí, không được nhận đề tài trong một vài năm tiếp theo. Việc này dẫn đến tình trạng nhà khoa học không mạnh dạn đăng ký các đề tài có tính thách thức, các sản phẩm có tính sáng tạo cao cũng hạn chế cơ hội được nghiên cứu, phát triển.
Giới khoa học và cơ quan quản lý đã nhiều lần lên tiếng cho rằng, việc coi đầu tư cho khoa học-công nghệ như đầu tư thông thường, đòi hỏi phải có kết quả tương xứng với kinh phí đầu tư đã bỏ ra là chưa phù hợp đặc thù nghiên cứu khoa học. Bản chất của hoạt động nghiên cứu là thử nghiệm, tìm ra cái mới để ứng dụng và luôn tiềm ẩn khả năng thất bại. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều cho ra được kết quả cuối cùng hoặc được ứng dụng vào thực tế, nhất là các nghiên cứu cơ bản mang tính chất tiên phong, làm tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng. Hơn nữa, việc ứng dụng trong thực tế được hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của xã hội.
Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa qua đã tháo gỡ rào cản nêu trên với quy định mang tính đổi mới tư duy là “chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Chấp nhận rủi ro như là một trong các phương thức để triển khai đột phá sáng tạo trong phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 57 chắc chắn sẽ khuyến khích các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ khi tiếp cận nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo các chuyên gia, ngay cả ở những nước phát triển thì tỷ lệ các đề tài thành công được áp dụng vào thực tiễn cũng chỉ đạt khoảng 20-30%. Đó cũng là lý do các nước phát triển có hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm và văn hóa chấp nhận thất bại trong nghiên cứu, nhờ vậy họ có được các doanh nghiệp kỳ lân, các tập đoàn công nghệ với nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Trong nước, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) với mô hình quản trị mới lâu nay đã chấp nhận thất bại như một phần tất yếu của hoạt động nghiên cứu, thông qua việc minh bạch các kết quả nghiên cứu, đề tài được báo cáo rủi ro một cách trung thực, kịp thời, miễn trừ trách nhiệm cho chủ nhiệm đề tài và coi việc nghiên cứu không thành công là bài học kinh nghiệm giúp cho các nhà khoa học tránh được thất bại trong các nhiệm vụ tiếp theo.
Thời gian tới, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 cùng các luật liên quan cần được điều chỉnh để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; rủi ro trong nghiên cứu khoa học cần được chấp nhận theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Nhiều nhà khoa học kiến nghị, cần làm rõ khái niệm rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nhóm lại các loại rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thực hiện các đề tài, nhiệm vụ và phương án xử lý đối với từng loại rủi ro nhằm giúp nhà khoa học có cái nhìn tổng thể trong quá trình triển khai đề tài, nhiệm vụ. Do các nghiên cứu đột phá thường có tính rủi ro cao, vì vậy, Nhà nước cần thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu có tính sáng tạo cao nhưng nguy cơ rủi ro lớn nhằm khuyến khích các ý tưởng mới.
Thay vì dựa vào tính an toàn hoặc khả năng thành công trước mắt, quỹ này sẽ tập trung đánh giá tiềm năng lâu dài và tính đổi mới của các dự án, khuyến khích việc chấp nhận rủi ro để đạt đến những đột phá công nghệ quan trọng. Ngoài ra, khuyến khích các nhóm nghiên cứu hợp tác với các tổ chức, viện nghiên cứu quốc tế để học hỏi và triển khai các ý tưởng sáng tạo, giảm rủi ro thông qua hợp tác và chia sẻ kiến thức. Về phía các nhà khoa học, cần nâng cao chất lượng nghiên cứu, và cần được các chuyên gia hỗ trợ đánh giá tính khả thi và đột phá của các dự án cũng như cung cấp tư vấn chuyên môn trong quá trình nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng công nghệ dùng chung để tăng cường tiềm lực nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu; có chính sách thúc đẩy kết nối giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp để tối ưu hóa nguồn lực và mở rộng khả năng ứng dụng thực tế của các nghiên cứu.