Khuyến khích fintech tham gia Sandbox
Trong quá trình triển khai thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) lĩnh vực ngân hàng, cơ quan quản lý sẽ cập nhật các mô hình mới để xem xét mở rộng phạm vi thử nghiệm, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát và hoàn thiện pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp tham gia.
Cơ hội cho công nghệ phát triển, sáng tạo
Tại Tọa đàm Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng vừa được tổ chức gần đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) ghi nhận, hiện nay, các fintech (công ty công nghệ tài chính) mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.
Việc thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các giải pháp công nghệ tài chính: như chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua Open API và cho vay ngang hàng (P2P Lending) là bước đi đầu tiên để minh bạch, chuẩn hóa và quản lý chặt chẽ những rủi ro có thể phát sinh đối với các lĩnh vực công nghệ tài chính mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân.
Theo Vụ Thanh toán, cơ quan trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định, về cơ chế sandbox sẽ giúp các bên tham gia cung ứng dịch vụ tài chính - ngân hàng có căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động kinh doanh mới. Còn cơ quan quản lý cũng sẽ có cơ sở để theo dõi, giám sát và đánh giá rủi ro. Vì vậy, cơ chế thử nghiệm này là “cơ chế mở” để tất cả các công ty fintech hoạt động trong các lĩnh vực được phép thí điểm và đáp ứng được các quy định của Nghị định có thể tham gia.
Trong quá trình đăng ký tham gia thử nghiệm sandbox, NHNN sẽ cho phép các doanh nghiệp được chủ động nghiên cứu, bổ túc hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đáp ứng tất cả các điều khoản, điều kiện của Nghị định. Sau khi hồ sơ được cơ quan quản lý xem xét, cho ý kiến, nếu trường hợp không được chấp thuận thì các nội dung chưa đạt sẽ được chỉ rõ và doanh nghiệp được phép bổ túc lại hồ sơ một lần nữa nếu quyết tâm tham gia sandbox.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay, trong thời gian vận hành cơ chế thí điểm, các đơn vị có thể đề xuất những mô hình, giải pháp công nghệ mới có tiềm năng. Nếu các mô hình, giải pháp này nằm trong khuôn khổ lĩnh vực ngân hàng thì NHNN cũng sẽ tiếp tục cập nhật, đề xuất để xem xét mở rộng phạm vi thử nghiệm.
Các công ty fintech trên thị trường có thể lựa chọn tham gia, sẽ tham gia hoặc không tham gia cơ chế sandbox. Doanh nghiệp nào thấy đáp ứng đủ điều kiện, có nhu cầu tham gia một trong ba lĩnh vực thí điểm thì đăng ký. Doanh nghiệp nào thấy chưa cần thiết thì vẫn có thể hoạt động bình thường theo các quy định pháp luật khác từ trước đến nay.
“Sau thời gian thí điểm, các cơ quan quản lý, các bộ ngành và Chính phủ sẽ có đánh giá và đưa ra các quy định cụ thể. Khi đó, nếu các lĩnh vực thí điểm này được quy định là các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì phải quản lý theo kiểu kinh doanh có điều kiện. Còn nếu các đánh giá cho rằng có thể “cởi mở, tự do” thì các doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh và chấp hành theo các quy định pháp luật chung”, ông Tuấn chia sẻ.

Ứng dụng tài chính MoMo - một fintech Việt sử dụng công nghệ đã loại bỏ nhiều rào cản cho người mở Ví trả sau về thủ tục chứng minh thu nhập và giấy tờ phức tạp
Doanh nghiệp còn e dè
Nhiều công ty fintech cho rằng, mặc dù các quy định của Nghị định 94/2025/NĐ-CP đã chi tiết và cụ thể, tuy nhiên hồ sơ để đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm còn nhiều. Các doanh nghiệp muốn tham gia ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về nhân sự, kinh nghiệm thị trường còn phải mô tả giải pháp, đánh giá rủi ro, quy trình bảo vệ dữ liệu, kế hoạch thử nghiệm…
Các nội dung này liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều văn bản luật khác như Luật Dân sự, Luật Bảo mật thông tin, Luật Công nghệ… Vì thế, trong quá trình đăng ký tham gia sandbox, các fintech khá lo ngại sẽ gặp phải các tình huống “chồng chéo” pháp lý dẫn tới tốn kém thời gian, chưa kể rằng trong quá trình triển khai có thể dẫn tới các trường hợp vô tình vi phạm pháp luật, trong khi Nghị định 94/2025/NĐ-CP chưa có những quy định cụ thể về cơ chế miễn trừ trách nhiệm hoặc các quy định chế tài cụ thể nếu có các sai sót, sai phạm trong quá trình thử nghiệm.
Chia sẻ lo ngại này của các doanh nghiệp, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, Nghị định 94/2025/NĐ-CP này sẽ không có thông tư hướng dẫn mà tất cả các quy định pháp lý trong khuôn khổ nội dung thí điểm sẽ được căn cứ trực tiếp từ các điều, khoản được quy định rõ ràng và cụ thể tại văn bản này.
Các pháp lý liên quan khác trong quá trình doanh nghiệp đăng ký tham gia sandbox nếu không quy định rõ trong Nghị định thì sẽ được thực hiện dựa trên sự quản lý, điều chỉnh của các văn bản luật pháp, bao gồm cả pháp luật dân sự, hình sự các luật và nghị định chuyên ngành liên quan.
Đối với các quy định về miễn trừ trách nhiệm, chế tài xử phạt, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an cho rằng, các doanh nghiệp có mong muốn tham gia sandbox về fintech cần tìm hiểu kỹ các quy định tại Điều 21 của Nghị định 94/2025/NĐ-CP. Trong đó có các quy định về miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự đối với những rủi ro hoặc sai sót phát sinh trong quá trình thử nghiệm, với điều kiện các hành vi đó nằm trong phạm vi hoạt động được cấp phép thử nghiệm, tuân thủ đúng kế hoạch đã đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài Nghị định này, các doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu sâu hơn Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) (Điều 23), Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số để nắm bắt những quy định ưu tiên đặc thù trong xử lý, giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật đối với các mô hình tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực fintech). Từ đó, đưa ra các quyết định lựa chọn về định hướng chiến lược kinh doanh cũng như góp ý về chính sách và hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thử nghiệm các giải pháp công nghệ tài chính ngân hàng.