Khuyến khích bộ đội xuất ngũ lập nghiệp tại quê nhà
Mỗi năm, tỉnh Hòa Bình có hàng nghìn bộ đội xuất ngũ (BĐXN) trở về địa phương. Ngoài tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên ngay sau khi xuất ngũ, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể hướng nghiệp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách ưu đãi nhằm động viên, khích lệ BĐXN lập nghiệp tại quê nhà.
Năm 2018, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Tiểu đoàn 41 (Bộ Tham mưu Quân khu 3), thay vì xuống các tỉnh dưới xuôi làm công nhân như nhiều đồng đội cùng đơn vị, anh Bùi Hoàng Anh ở xóm Nau, xã Thu Phong (Cao Phong, Hòa Bình) quyết định ở nhà cùng gia đình phát triển vườn cam. Đến nay, gia đình anh Hoàng Anh đã có 1,9ha trồng cam. Với giá bán trung bình gần 30.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi mỗi năm khoảng 500 triệu đồng.
Anh Bùi Hoàng Anh chia sẻ: “Lúc mới xuất ngũ, tôi cũng có ý định xuống Hà Nội tìm việc làm nhưng các anh trong Ban CHQS huyện Cao Phong định hướng, động viên ở lại quê hương mở rộng diện tích vườn cam của gia đình. Thời điểm đó quả cam có giá trị kinh tế cao, trong khi nhà tôi đất rộng, bố mẹ sức khỏe ngày càng yếu nên tôi quyết định lập nghiệp ở quê. Những năm qua, nhờ trồng cam mà gia đình tôi xây được nhà, mua được ô tô. Giờ nghĩ lại thấy lựa chọn của mình là đúng”.
Cao Phong là huyện miền núi, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp với thu nhập thấp nên BĐXN thường rời quê đi làm ăn xa. Trước thực trạng trên, Ban CHQS huyện Cao Phong cùng cơ quan quân sự các xã, thị trấn chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tích cực gặp gỡ, định hướng BĐXN ở lại địa phương lập nghiệp. Cùng với đó, Ban CHQS huyện Cao Phong cũng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách ưu đãi cho BĐXN vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng cam để khuyến khích họ ở lại lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Ngoài anh Bùi Hoàng Anh, nhiều trường hợp BĐXN của huyện cũng đã sớm ổn định cuộc sống, ngày càng khá giả nhờ trồng cam.
TP Hòa Bình là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp của tỉnh nên những năm qua, Ban CHQS TP Hòa Bình trở thành “cầu nối” để đưa BĐXN vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Theo đó, hằng năm, Ban CHQS TP Hòa Bình phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố lựa chọn, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả để giới thiệu việc làm cho BĐXN. Mặc dù mức lương trung bình khi làm việc trong những doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thấp hơn so với ở dưới xuôi nhưng bù lại, thanh niên không phải xa gia đình, thuê trọ, công việc cũng ổn định nên nhiều người lựa chọn làm việc tại quê nhà.
Thượng tá Bùi Văn Nghĩa, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cho biết: “Để “giữ chân” BĐXN lập nghiệp tại quê nhà, cơ quan quân sự các cấp thuộc Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan để liên hệ với các trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tiến hành tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm ngay khi thanh niên xuất ngũ về địa phương. Ưu tiên hàng đầu trong tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho BĐXN là lập nghiệp tại quê nhà nên ngoài liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thanh niên vào làm việc, chúng tôi định hướng thanh niên đăng ký học một số ngành nghề phổ thông như điện dân dụng, cơ khí, lái xe ô tô để họ có thể về địa phương làm việc sau khi học xong. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu cơ quan quân sự các cấp, nhất là những huyện vùng sâu, vùng xa động viên, có chính sách ưu đãi để khuyến khích BĐXN ở lại quê hương phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo quy mô trang trại, làm du lịch cộng đồng, trồng rừng, chế biến lâm sản tùy theo đặc thù và thế mạnh riêng của từng vùng”.
Ngoài tư vấn học nghề, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, cơ quan quân sự các cấp thuộc Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình còn chú trọng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn những thanh niên ưu tú, được kết nạp Đảng trong thời gian tại ngũ, có trình độ cao đẳng, đại học để tạo nguồn cán bộ ở cơ sở, nhất là đối với những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những chủ trương, giải pháp đồng bộ, linh hoạt cùng chế độ, chính sách ưu đãi trên đã góp phần “giữ chân” BĐXN ở lại địa phương lập nghiệp. Nhiều người hiện đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển...