Khuyến khích, bảo vệ cán bộ nhưng không buông lỏng quản lý
Kết luận 14 chỉ hướng bảo đảm an toàn cho cán bộ và cách làm mới được khuyến khích, bảo vệ, còn Nghị định 73 cụ thể hóa để chủ trương đúng không bị lợi dụng.
Nói về những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) - lại nhắc tới "Tổ buôn lậu gạo" do Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt lập ra.
Ông nói, Đảng ta vì Nhân dân mà sinh ra, vì hạnh phúc Nhân dân mà tồn tại, thắng lợi nào của dân tộc trong hơn 90 năm qua đều do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhân dân cũng tin Đảng qua những tấm gương cán bộ của Đảng.
Thế nên mới có chuyện cười ra nước mắt là từ cán bộ đến Nhân dân đều thấy vô lý, nhưng đều bấm bụng chấp nhận nghịch cảnh: giá lúa thị trường là 3 đồng/kg mà Ủy ban Vật giá ấn định một cái giá "âm ti" cho các đơn vị thu mua chỉ là 0,52 đồng/kg. Người dân TP.HCM chịu đói vàng mắt mà bà con Đồng bằng sông Cửu Long mắt vàng vì lúa đầy bồ mà lúa không bán được, tiền không có, dân thành phố có tiền mà không mua được, siết thắt lưng chịu đói vì ngăn sông cấm chợ…
Lúc ấy ông Sáu Dân thấy điều đó, nhưng nhắm mắt khoanh tay thì cũng chẳng chết ai. Tuy nhiên, ông dám phá cơ chế để làm là thể hiện sự năng động, sáng tạo, yêu dân của mình.
Đôi mắt sáng, trái tim nóng nhưng tấm lòng phải trong. Lúc ấy, nếu một ai đó nhón mà ăn vào chỉ một xu thì cả tầm nhìn xa của người lãnh đạo năng động, sáng tạo bỗng đổ sông đổ biển. Dù có trong sạch thì ông Sáu Dân cũng chẳng thể vô can vì bản thân đã làm sai chính sách mà còn để cấp dưới lợi dụng.
Ông Hà thở dài khi nhắc tới các đại án Việt Á, chuyến bay giải cứu trong thời kỳ cả nước oằn mình chống lại đại dịch COVID-19. Chính sách hoàn toàn đúng, nhưng mối mọt ăn tàn phá hoại, lại có cả những con mối chúa - một số cán bộ cấp cao.
"Chính vì thế, để một chủ trương đúng đắn của Đảng được thực hiện nghiêm cẩn, tránh bị lợi dụng mà vẫn khuyến khích, bảo vệ được cán bộ tốt thì cần được quy định qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ như Nghị định 73, cao hơn trong thời gian tới có thể là của Quốc hội. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng qua Nhà nước pháp quyền được thể hiện rõ, phạm vi điều chỉnh rộng rãi hơn", ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - nhìn nhận, trong việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, khó nhất là phân biệt ranh giới giữa cái đúng - cái sai, giữa việc làm vì tập thể với việc làm có tính chất cá nhân, lợi ích nhóm; thậm chí là núp bóng, nhân danh dám nghĩ, dám làm để làm liều, thực hiện ý đồ của bản thân.
Theo ông, thực tiễn luôn vận động phát triển, đặt ra những vấn đề mới. Ông Phúc cho rằng, những vấn đề mới, cấp thiết cần phải giải quyết trong thực tiễn sẽ rất phức tạp mà ngay cả cán bộ đề xuất ý tưởng đổi mới sáng tạo chưa chắc đã lường hết được, rất có thể sẽ gặp phải rủi ro.
"Thế nhưng khi cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại, Nghị định 73 chỉ dừng lại ở mức "xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm" thì tôi cho rằng vẫn chưa phải là bảo vệ và khuyến khích ở mức cao nhất. Như vậy, cán bộ vẫn sợ trách nhiệm", ông Phúc nêu quan điểm.
Khuyến khích và bảo vệ ở "mức cao nhất", theo PGS.TS Vũ Văn Phúc là phải miễn hoàn toàn trách nhiệm, đồng thời tính đến cả việc bảo vệ tính mạng của cán bộ, thậm chí là bảo vệ cả tính mạng của gia đình cán bộ khi thực hiện ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Chỉ khi nào chúng ta bảo vệ, khuyến khích ở mức cao như vậy thì cán bộ mới thực sự đề xuất ý tưởng táo bạo, đột phá mà xoay chuyển được tình thế trong thực tiễn.
"Tất nhiên, cùng với việc khuyến khích, bảo vệ thì chúng ta phải xử lý rất nghiêm người lợi dụng chủ trương để thực hiện những công việc, những ý đồ vì lợi ích nhóm, vì lợi ích của cá nhân", ông Phúc nói.
Nhấn mạnh Nghị định 73 bước đầu đã xây dựng được tiêu chí để xác định nội hàm của cán bộ đề xuất ý tương đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là như thế nào, nhưng ông Phúc cho rằng thể chế bảo vệ, khuyến khích vẫn còn dè dặt nên cần phải sơ kết, rút kinh nghiệm.
"Tôi cho rằng sau một thời gian thực hiện Nghị định 73, không chờ đến 3 - 5 năm mà chỉ cần sau 1 năm, chúng ta phải sơ kết, rút kinh nghiệm và thể chế hóa ở mức cao hơn", Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương kiến nghị.
Cùng quan điểm, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - góp ý, việc sơ kết cần làm sáng tỏ một số vấn đề trong quá trình thực hiện Nghị định 73.
Đó là Nghị định có được triển khai đúng theo tinh thần của Kết luận 14 và các văn kiện của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước hay không? "Cần đánh giá lại xem là vấn đề này có chồng chéo, có mâu thuẫn hay không để kịp thời chỉnh sửa", ông Nhưỡng nói.
Ông cũng lưu ý, nếu những vấn đề vượt quá tầm của một nghị định thì Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để sửa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật Thi đua, khen thưởng.
Cùng với đó là chuẩn bị tinh thần để ban hành một luật chung về khuyến khích, bảo vệ người năng động, sáng tạo vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của Nhân dân.
Bàn luận về vấn đề này, TS Lưu Bình Nhưỡng nhận định: "Nếu chủ trương, quy định được vận hành tốt bởi những con người vô tư, không thiên vị, không có lợi ích nhóm, không có chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa cá nhân không tồn tại ở một mức độ mà có thể xoay chuyển được tình hình thì mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp".
Ông Nhưỡng cho rằng điều này cũng được Đảng và Nhà nước đã dự liệu nên Nghị định 73 có quy định về việc thành lập và vận hành của Hội đồng đánh giá đề xuất ý tưởng đổi mới sáng tạo. Đây được xem là "bộ lọc" đầu tiên.
Tuy nhiên, ông cũng nêu thực tế, hội đồng do người đứng đầu cơ quan lập ra với các thành viên phe cánh, nếu thích họ sẽ phê duyệt một sáng kiến không phải đột phá. Thậm chí có những sáng kiến, phát minh hữu ích, có lợi cho đất nước, cho địa phương, cho ngành, cho lĩnh vực… nhưng hội đồng lại tìm cách vùi dập để cướp sáng kiến đó.
Để kiểm soát được tình trạng đó cần có "bộ lọc" thứ hai: Trách nhiệm của người đứng đầu. Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng trách nhiệm của người đứng đầu là một trong những định chế cực hay về mặt chính trị, pháp lý cũng như xã hội.
Ông lý giải, dư luận xã hội thường nhìn vào người đứng đầu, người phất cờ. Nếu người nào lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành không đến nơi đến chốn thì sẽ bị phát hiện, cùng với đó phải nhận các hình thức xử lý của tổ chức.
Khi đó, theo TS Lưu Bình Nhưỡng, cơ quan kiểm tra của Đảng cùng các cơ quan khác của Nhà nước - một "bộ lọc" đặc biệt, công bằng, quyền uy hơn sẽ phát huy vai trò.
Một "bộ lọc" khác nữa chính là Mặt trận Tổ quốc. Ông Nhưỡng cho hay, trong các nghị quyết của Đảng, các đạo luật đều nhắc đến vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và không chỉ giám sát mà còn là phản biện xã hội.
"Mặt trận Tổ quốc là liên minh chính trị - xã hội, ở đó có nhiều tổ chức, mỗi một tổ chức đều có vai trò để bảo vệ quyền lợi của các thành viên. Ví dụ một nhà báo đề xuất ý tưởng mang tính đổi mới, sáng tạo, nếu được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu Hội đồng đánh giá của cơ quan báo chí đó gạt đi, thì lúc này Hội Nhà báo phải đứng ra bảo vệ hội viên của mình…", ông Nhưỡng phân tích.
"Bộ lọc" được TS Lưu Bình Nhưỡng đánh giá rất quan trọng là sự giám sát tối cao của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, rồi giám sát của HĐND các cấp, đại biểu HĐND các cấp.
"Khuyến khích, bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong những khung cơ chế chứ không phải buông lỏng quản lý. Những bài học thực tế gần đây càng cho chúng ta thấm thía là phải tránh những chủ trương, chính sách đúng đắn bị lợi dụng để cài cắm lợi ích", TS Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.