Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dàm làm: Cần thêm những đòn bẩy pháp lý mạnh

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… đã một trong những chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quyết tâm hiện thực hóa từ rất lâu. Và đến nay, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những mục tiêu lớn: tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao… làm thế nào để chủ trương ấy thực sự đi vào cuộc sống, thực thi hiệu quả đang được xem là ưu tiên hàng đầu.

Vấn đề bảo vệ đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung không còn chỉ là những quan điểm mang tính chung chung mà từ lâu đã được xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó nội dung khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng đã trở thành yếu tố quan trọng trong khía cạnh thực hiện cải cách hành chính nhà nước và cải cách hành chính trong Đảng.

Đặc biệt, để cụ thể hóa và chi tiết nội dung bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong đó nhấn mạnh: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

 Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ.

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII), trên cơ sở kế thừa những quan điểm, định hướng, cách thức của các kỳ Đại hội trước về xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Đảng ta đã khẳng định việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trở thành một phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội XIII và những năm tiếp theo: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Đặc biệt, cụ thể hóa tinh thần Đại hội XIII, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Với việc ban hành Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, sau 35 năm đổi mới, chúng ta chính thức có một văn bản mang tầm chiến lược về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Với Nghị định này, lần đầu tiên trong tiến trình lãnh đạo của Đảng, một chủ trương khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo bắt nguồn từ trên xuống, từ trong đường lối của Đảng ra và được cụ thể hóa bằng chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thi hành, cũng đã khá nhiều những ý kiến khác nhau về hiệu quả của Nghị định. Trên Diễn đàn Quốc hội, đề cập đến Nghị định 73, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Nông) cũng đã đặt câu hỏi tại sao tình trạng đùn đẩy, né tránh, không chịu làm, sợ trách nhiệm ngày càng trầm trọng, trong khi đã có Nghị định 73.

Ở một góc nhìn khác về câu chuyện bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm, TS. Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, Nghị định 73 vẫn còn nhiều điều cần phải bàn luận, trong đó, TS. Cao Vũ Minh nhấn mạnh tới hai vấn đề: Đó là các quy định về khen thưởng và xử lý cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo không hợp lý, chưa thực sự khuyến khích và bảo vệ họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, biện pháp bảo vệ cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho phép thực hiện và đánh giá kết quả đề xuất đổi mới, sáng tạo được quy định trong Nghị định 73 không rõ ràng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “dĩ hòa vi quý”, “đóng cửa bảo nhau”.

Như vậy, cho dù Nghị định 73 đã mở ra những “cơ chế đặc biệt” trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, tuy nhiên, thực tế triển khai những năm qua đã cho thấy những cơ chế đặc biệt ấy vẫn là chưa đủ để tạo nên những chuyển biến mang tính bước ngoặt. Thực tế đó cũng là lý do tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đang đề xuất bổ sung quy định cán bộ dám nghĩ, dám làm được miễn trách nhiệm.

Theo đó, cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm khi hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo Dự thảo, cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong 3 trường hợp sau: Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành; Hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần nhắc nhớ: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu mới, rõ ràng cần rất lớn ở đội ngũ cán bộ công chức đủ tài, đủ đức, đủ nhiệt huyết và khát vọng cống hiến. Và để cái tài, cái đức, khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ được phát huy, rõ ràng việc xây dựng cơ chế đủ mạnh, đủ hiệu quả, đủ hấp dẫn để khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là việc cần phải làm và làm ngay.

Hy vọng với những thay đổi trong Dự thảo đang được Bộ Nội vụ triển khai, sẽ thực sự tạo ra được môi trường và điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút người tài năng vào làm việc trong hệ thống chính trị, và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời quán triệt các quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo tính đồng bộ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác cán bộ trong tình hình mới.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khuyen-khich-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-can-them-nhung-don-bay-phap-ly-manh-post341213.html
Zalo