Khuyến công tiếp sức làng nghề: Bánh tét Trà Vinh vươn tầm
Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến từ nguồn kinh phí khuyến công năm 2025 đã giúp hộ kinh doanh Bánh tét Nguyễn Thị Thu Cẩm tại xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (trước đây thuộc tỉnh Trà Vĩnh khi chưa sáp nhập với tỉnh Bến Tre+Vĩnh Long) nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Những năm gần đây, hoạt động khuyến công đã và đang trở thành đòn bẩy quan trọng giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tại tỉnh Trà Vinh (tỉnh cũ khi chưa sáp nhập với tỉnh Bến Tre+Vĩnh Long) đổi mới công nghệ, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Một trong những minh chứng cụ thể cho hiệu quả thiết thực từ chính sách này là Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất Bánh tét” do hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Cẩm thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh.
Đòn bẩy từ nồi điện công nghiệp
Bánh tét là đặc sản mang đậm bản sắc văn hóa của người dân Trà Vinh, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết và các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, với quy trình sản xuất thủ công truyền thống, nhiều cơ sở vẫn còn gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng và yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm ngày càng cao, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Cẩm là một trong những đơn vị đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhiều năm đã chủ động xây dựng đề án xin hỗ trợ đầu tư 08 nồi điện luộc bánh tét với tổng kinh phí 264 triệu đồng, trong đó có 130 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương năm 2025.

Việc đầu tư máy móc hiện đại giúp hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Cẩm nâng sản lượng và mang lại doanh thu ước tính hơn 4,8 tỷ đồng/năm
Việc chuyển đổi từ hình thức luộc bánh bằng củi sang sử dụng nồi điện công nghiệp không chỉ rút ngắn đáng kể thời gian nấu bánh mà còn tiết kiệm chi phí, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu tác động môi trường. Theo thông số kỹ thuật, mỗi nồi điện NTVL-040L được làm từ inox cao cấp, công suất 9kW, hoạt động bằng nguồn điện 3 pha 380V, đảm bảo luộc bánh chín đều, giữ trọn hương vị truyền thống.
Việc đầu tư máy móc hiện đại giúp hộ kinh doanh nâng sản lượng lên tới 77.000 sản phẩm/năm (gồm 55.000 đòn bánh tét và 22.000 cái bánh ú), mang lại doanh thu ước tính hơn 4,8 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí và các khoản thuế, lợi nhuận ròng đạt khoảng 269 triệu đồng/năm. Thời gian hoàn vốn chỉ trong vòng 12 tháng, đây một con số ấn tượng cho thấy hiệu quả đầu tư thiết bị là rất cao.
Tác động lan tỏa tới cộng đồng
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho riêng hộ sản xuất, đề án còn tạo ra giá trị lan tỏa lớn tới cộng đồng địa phương. Với việc mở rộng sản xuất, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Cẩm tạo việc làm ổn định cho 4 lao động nông thôn với mức lương khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, nhu cầu nguyên liệu đầu vào như nếp, thịt heo, trứng muối… tăng mạnh, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đồng thời, sản phẩm sau khi cải tiến về chất lượng, mẫu mã bao bì sẽ có sức cạnh tranh cao hơn, từng bước xây dựng thương hiệu Bánh tét Trà Vinh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiệu quả từ Đề án hỗ trợ máy móc thiết bị tại hộ Nguyễn Thị Thu Cẩm là một ví dụ điển hình cho thấy vai trò quan trọng của kinh phí khuyến công trong việc nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả cao chính là minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn của các chính sách khuyến công hiện nay.

Ông Nguyễn Đăng Khởi - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Trà Vinh (cũ) phát biểu tại buổi nghiệm thu
Theo ông Nguyễn Đăng Khởi - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Trà Vinh (cũ) ghi nhận: Việc hỗ trợ không chỉ dừng lại ở đầu tư thiết bị, mà còn có sự đồng hành trong khâu hướng dẫn kỹ thuật, thẩm định hiệu quả, và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình cần được nhân rộng nhằm thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững và gắn với tiêu chuẩn OCOP, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề án giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị ngành hàng và phát triển bền vững ngành công nghiệp nông thôn.
Kiến nghị và kỳ vọng
Từ thành công bước đầu, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Cẩm kiến nghị các cấp ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để mở rộng mô hình hỗ trợ khuyến công. Đồng thời, cần tăng cường tập huấn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại để sản phẩm địa phương vươn xa hơn trên thị trường nội địa và quốc tế.
Trong bối cảnh phát triển nông thôn mới nâng cao, vai trò của khuyến công ngày càng được đánh giá là động lực thiết yếu. Việc tiếp tục duy trì, phát huy và nhân rộng các đề án hiệu quả như của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Cẩm không chỉ giúp gìn giữ giá trị truyền thống, mà còn tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp nông thôn của Trà Vinh nói riêng và cả nước nói chung.