Giá nguyên vật liệu tăng cao, doanh nghiệp xây dựng gặp khó

Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao từ đầu năm đến nay đang trở thành thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng triển khai...

Theo kết quả khảo sát quý II/2025 của Cục Thống kê đối với các doanh nghiệp xây dựng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và các nhà thầu xây dựng phải đối mặt trong quý II là giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao.

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 57,2% số doanh nghiệp cho biết, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ lệ này tăng tới 10,1 điểm phần trăm so với quý I/2025, đánh dấu mức tăng cao kỷ lục trong các kỳ điều tra hằng quý gần đây.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong quý II/2025, có tới 54% doanh nghiệp cho biết chi phí nguyên vật liệu trực tiếp của doanh nghiệp tăng so với quý I/2025.

Theo phản ánh từ doanh nghiệp trong ngành xây dựng, biến động lớn về giá cả các vật liệu xây dựng chính trong nửa đầu năm 2025 đến nay khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp xây dựng gặp khó do giá nguyên vật liệu tăng cao.

Doanh nghiệp xây dựng gặp khó do giá nguyên vật liệu tăng cao.

Đơn cử, ông Vũ Chí Kiên - Phó Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng QualiPro cho biết, từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong tháng 5/2025, có những nhà cung cấp phát hành đến 3 thông báo về việc tăng giá bán. Trong đó, giá bê tông đã tăng khoảng 25%-35%, giá cát xây dựng tăng khoảng 200%-300%, giá thép tăng 5%-7%. Ngoài ra, các vật liệu khác cũng đều có sự điều chỉnh tăng giá.

Theo ông Kiên, giá vật liệu tăng cũng kéo theo sự khan hiếm về nguồn cung, nhiều nhà cung cấp không có hàng để xuất ra ngoài thị trường. Việc tăng giá và khan hiếm nguồn cung vật liệu dẫn đến nhiều doanh nghiệp xây dựng phải gồng mình chịu lỗ hoặc phải dừng, không tiếp tục thực hiện hợp đồng và chịu phạt từ chủ đầu tư.

Một số dự án đã duyệt tổng mức đầu tư thì giá dự thầu của các nhà thầu đều vượt tổng mức đầu tư, dẫn đến dự án không thể triển khai ngay được, phải làm các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư. Do đó, các dự án đều bị chậm kế hoạch triển khai, đi vào hoạt động, ảnh hưởng đến công tác sản xuất và đơn hàng đã được ký với đối tác.

Phó Tổng Giám đốc CTCP XXây dựng QualiPro kiến nghị Nhà nước cần sớm có chính sách bình ổn giá, hỗ trợ thị trường xây dựng phát triển ổn định.

Lý giải nguyên nhân khó khăn này, tại họp báo ngày 5/7, bà Phí Thị Hương Nga - Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, tình trạng này bắt nguồn từ cả phía cung và phía cầu. Về phía cầu, đầu tư công dồn dập vào các dự án hạ tầng lớn (cao tốc, cảng, sân bay…) khiến nhu cầu cát, đá, thép, xi măng tăng đột biến.

Quý II/2025, có 76,2% doanh nghiệp nhận định, số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng và không đổi so với quý I/2025. 23,8% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm cao hơn nhiều so với quý I/2025. 39% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.

Về nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, nguồn cung rất dồi dào, thể hiện ở chỉ số sản xuất các ngành sản xuất vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng, bê tông…) vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm, đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng của các doanh nghiệp và hộ dân cư. Tuy nhiên, nguồn cát và đá phục vụ xây dựng ở một số địa phương còn xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ, do tình trạng thiếu nguồn cung cấp: mỏ hết hạn, bị gián đoạn hai thác, sạt lở…

Đánh giá về nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, theo bà Hương Nga, chỉ có có 21,7% doanh nghiệp khó khăn do liên quan tới nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng như: không có sự ổn định về giá, không cung cấp kịp thời nguyên vật liệu cho công trình.

Chi phí nguyên liệu đầu vào - năng lượng - vận chuyển tăng làm cho giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng. Giá thép tăng nhẹ do giá phôi, quặng sắt thế giới tăng. Giá nhựa đường cũng tăng do xăng dầu tăng và chi phí vận chuyển tăng nhẹ. Đối với xi măng, dù giá tương đối ổn định trong tháng 6, nhưng chi phí nguyên liệu và điện than tăng khiến áp lực chi phí gia tăng.

Ngoài ra, tâm lý tích trữ hàng hóa tại một số đại lý, doanh nghiệp trung gian cũng góp phần đẩy giá vật liệu lên trong ngắn hạn.

Theo Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, biến động giá vật liệu xây dựng cũng có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Chi phí đầu vào tăng làm tăng tổng chi phí thi công, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hiệu quả tài chính của các hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định.

"Nếu giá tăng cao trong thời gian dài có thể làm chậm tiến độ thi công của các công trình, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, tiến độ và công nghệ", bà Hương Nga nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dẫn kết quả vừa công bố, bà Hương Nga cho biết, tăng trưởng của ngành xây dựng trong nửa đầu năm 2025 tăng 9,62%, thể hiện kết quả tích cực của ngành xây dựng.

Kết quả này là do các động lực chính. Trong đó, đầu tư công mạnh tay vào hạ tầng giao thông, đô thị. Các dự án giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, các dự án nhà ở xã hội được đẩy mạnh, các chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ trên cả nước.

Cải cách pháp lý, hành chính mở đường cho nhiều dự án mới. Dòng vốn tư nhân và FDI chảy vào xây dựng dân dụng, công nghiệp.

Thị trường bất động sản nhà ở 6 tháng đầu năm bắt đầu ấm dần. Công nghệ và quản lý hiện đại nâng cao hiệu quả thi công. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định giúp ngành xây dựng phát triển bền vững.

Thu An

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/gia-nguyen-vat-lieu-tang-cao-doanh-nghiep-xay-dung-gap-kho/20250705033457550
Zalo