Khung pháp lý vượt trội và linh hoạt cho Hà Nội

Nhiều chuyên gia đều nhận định, Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra một khung pháp lý vượt trội và linh hoạt cho Thủ đô Hà Nội. Luật cho phép Thủ đô Hà Nội thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, tạo sự chủ động trong quản lý và điều hành kinh tế. Những điểm mới này giúp Thủ đô Hà Nội tháo gỡ các nút thắt về thể chế trước đây.

Luật Thủ đô 2024

Thành phố Hà Nội không ngừng phát triển văn minh - hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Thành phố Hà Nội không ngừng phát triển văn minh - hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Luật bảo đảm bao trùm mọi mặt của Thủ đô

Chia sẻ về vai trò Luật Thủ đô 2024 trong quản lý phát triển xã hội bền vững Thủ đô Hà Nội, TS Nguyễn Thị Thu Nga, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Luật Thủ đô 2024 sẽ bảo đảm nguyên tắc phát triển, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của thực tế đặt ra hiện nay cho mục tiêu chung của đất nước bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Thu Nga cho biết thêm, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Vì Thủ đô Hà Nội là "trái tim", là "đầu tàu, gương mẫu", là trung tâm hành chính mang nhiều yếu tố đặc thù cho nên cần phải có luật riêng mang tính chất đặc thù để có thể tận dụng được tối đa các nguồn lực phát triển bền vững.

Luật Thủ đô 2024 bảo đảm bao trùm trên mọi mặt, tạo hành lang pháp lý để hiện thực hóa quy hoạch Thủ đô. Đặc biệt là hai đồ án quy hoạch chiến lược của Hà Nội gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong các đồ án quy hoạch đã chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như việc phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái,...

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2024 đã tạo hành lang pháp lý bảo vệ môi trường sống cho con người. Theo đó, yếu tố con người luôn được xác định là một trong những nội dung đáng chú ý của Luật, những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

"Luật Thủ đô 2024 đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội so với pháp luật hiện hành, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh đúng với nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị. Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, đáp ứng những yêu cầu của đất nước bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - TS Nguyễn Thị Thu Nga nhấn mạnh.

Thành phố Hà Nội không ngừng phát triển văn minh - hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Thành phố Hà Nội không ngừng phát triển văn minh - hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Tháo gỡ các nút thắt về thể chế

Để Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống, thạc sĩ Nguyễn Tiến Việt, Giảng viên chính Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra một khung pháp lý vượt trội và linh hoạt cho Thủ đô Hà Nội. Điều này cho phép Thủ đô Hà Nội thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, tạo sự chủ động trong quản lý và điều hành kinh tế. Những điểm mới này giúp Thủ đô Hà Nội tháo gỡ các nút thắt về thể chế, giảm bớt sự trói buộc từ các quy định cứng nhắc vốn tồn tại trước đây. Khi chính quyền Thủ đô Hà Nội có thêm quyền lực và trách nhiệm, các quyết sách sẽ kịp thời và phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của địa phương.

Luật Thủ đô 2024 đã mở ra cơ chế đặc thù về tài chính và ngân sách cho Thủ đô Hà Nội. Việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại và tạo thêm nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các dự án trọng điểm sẽ giúp Thủ đô Hà Nội nâng cao năng lực kết nối, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 đặt ra mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tri thức. Đây là định hướng rất đúng đắn, bởi trong bối cảnh hiện nay, động lực tăng trưởng của các đô thị lớn trên thế giới không còn dựa vào lao động giá rẻ hay tài nguyên mà tập trung vào công nghệ, sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Luật Thủ đô 2024 khẳng định rõ Thủ đô Hà Nội cần phát triển theo mô hình đô thị xanh, bền vững và thông minh. Điều này phù hợp với xu thế toàn cầu và giúp Thủ đô Hà Nội xây dựng một nền kinh tế hiện đại, vừa phát triển nhanh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và môi trường sống chất lượng cho người dân.

Theo thạc sĩ Nguyễn Tiến Việt, một trong những điểm được đánh giá cao của Luật Thủ đô 2024 là cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, giúp chính quyền Thủ đô Hà Nội có đủ thẩm quyền, tự chủ và trách nhiệm trong quá trình triển khai luật vào đời sống. Theo quy định của Luật Thủ đô 2024, UBND TP Hà Nội được quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP hoặc UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình.

Trong trường hợp cần thiết, UBND TP có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP hoặc UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND TP có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND TP, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Việc tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chỉ đạo, kết luận của Trung ương và của Bộ Chính trị. Như Khoản 3 Điều 9 Luật Thủ đô 2024 quy định: "Hội đồng Nhân dân Thành phố được chủ động hơn trong việc thành lập các ban của Hội đồng Nhân dân Thành phố, giao Hội đồng Nhân dân Thành phố một số thẩm quyền, như quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố hoặc Hội đồng Nhân dân Thành phố được xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý...”.

Việc phân cấp, phân quyền này là cơ sở pháp lý và để chính quyền TP Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị.

Luật Thủ đô 2024 xác định Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về hội nhập quốc tế của đất nước. Vì thế, các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô liên quan đến hội nhập quốc tế đóng vai trò cũng hết sức quan trọng đối với việc kiến tạo đột phá phát triển mới cho Thủ đô. Chủ động gây dựng và vận hành các mối quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng giúp Thủ đô phát huy cao độ sức mạnh mềm của Thủ đô trên mọi phương diện, tranh thủ được những nguồn ngoại lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đối ngoại, trao đổi thương mại, chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường trao đổi văn hóa với thế giới bên ngoài.

Thủ đô Hà Nội tham gia trực tiếp vào các hoạt động đối ngoại của cả nước, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho đất nước phát triển và hội nhập quốc tế về chính trị, đối ngoại, an ninh và kinh tế đối ngoại. Vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù có thể đưa lại cho Thủ đô Hà Nội nhiều đột phá phát triển thông qua khai thác, tận dụng và phát huy vị thế, uy tín của Thủ đô trên thế giới - đại sứ Trần Đức Mậu - nguyên Vụ trưởng vụ chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao.

Chí Kiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khung-phap-ly-vuot-troi-va-linh-hoat-cho-ha-noi-415179.html
Zalo