Khủng hoảng Trung Đông: Toàn cầu 'dậy sóng' sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas

Tình hình Trung Đông đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, vụ việc đã gây ra một loạt phản ứng mạnh mẽ từ các bên liên quan.

Hôm 31/7 vừa qua, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas tại Dải Gaza, thiệt mạng sau khi "khu nhà đặc biệt dành cho cựu binh" mà ông lưu trú ở phía bắc thủ đô Tehran bị tấn công. Ông Haniyeh tới Iran hôm 30/7 để tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian.

Tình hình Trung Đông đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Sự kiện này đã gây ra một loạt phản ứng mạnh mẽ từ các bên liên quan, đặc biệt là giữa Iran, Hamas và Israel. Các quốc gia trên thế giới cũng đã phản ứng trước sự việc này.

Căng thẳng này có thể dẫn đến một cuộc xung đột quy mô lớn hơn, đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn và nguy hiểm. Sự việc này còn làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và các nhóm vũ trang trong khu vực.

Thủ lĩnh Hamas bị ám sát

Thủ lĩnh Hamas bị ám sát

Lãnh đạo tối cao Iran ra lệnh ‘tấn công trực tiếp’ Israel để ‘trả đũa’

Iran và Hamas đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công thủ lĩnh Haniyeh. Israel từ chối bình luận.

Các nguồn tin nói với The New York Times rằng chỉ thị tấn công Israel được ông Khamenei đưa ra tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran hôm 31-7.

Trước đó cùng ngày, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố rằng Iran có “trách nhiệm” phải đáp trả vụ ông Haniyeh bị ám sát vì ông này bị giết bên trong lãnh thổ Iran.

“Các người đã giết hại vị khách thân yêu của chúng tôi ngay trong nhà chúng tôi và giờ đây chính là hình phạt khắc nghiệt dành cho các người” , ông Khamenei nói.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ngày 31/7 tuyên bố rằng Israel sẽ phải đối mặt với phản ứng “khắc nghiệt” và “đau đớn” từ Iran sau vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát.

“Chắc chắn tội ác này của chế độ Do Thái sẽ phải đối mặt với phản ứng gay gắt và đau đớn từ mặt trận hùng mạnh và to lớn của Phong trào Kháng chiến, đặc biệt là Iran", theo IRGC.

Bên cạnh vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát, Trung Đông đang căng thẳng vì cái chết của ông Fu'ad Shukr - chỉ huy quân sự cấp cao nhất của nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) sau vụ không kích của Israel hôm 30/7.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu trước toàn dân, nói rằng Israel đã giáng “những đòn chí mạng” vào kẻ thù trong vài ngày qua nhưng không đề cập cái chết của lãnh đạo Hamas.

Ông Netanyahu lưu ý rằng Israel đang phải đối mặt với “những ngày đầy thách thức”.

“Chúng tôi sẽ giải quyết hết những kẻ làm hại chúng tôi, những kẻ thảm sát con em chúng tôi, những kẻ giết hại công dân, làm tổn hại đến đất nước chúng tôi” - thủ tướng Israel cảnh báo.

Về phía Hamas, nhóm này ngày qua đã có những hành động để đáp trả việc ông Haniyeh bị ám sát.

Mỹ bị tố 'cho phép' Israel ám sát thủ lĩnh Hamas

CNN dẫn lời Đại sứ Iran Saeed Iravani phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ chiều 31/7 (giờ Mỹ) nói rằng, Washington với tư cách là đồng minh chiến lược kiêm người ủng hộ chính quyền Israel trong khu vực Trung Đông “không thể bị bỏ qua trong tội ác khủng khiếp này”.

“Vụ ám sát không thể xảy ra nếu không có sự cho phép cũng như hỗ trợ tình báo từ Mỹ. Israel cũng đang theo đuổi mục tiêu chính trị với hành động này, nhằm phá vỡ ngày đầu tiên của chính phủ mới của Cộng hòa Hồi giáo Iran, chính quyền vốn ưu tiên củng cố hòa bình và sự ổn định trong khu vực, cũng như tăng cường hợp tác và tương tác mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế”, ông Iravani nói.

Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cũng tham dự phiên họp trên khẳng định Washington không biết và không liên quan tới cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran, Iran sáng 31/7, và nói thêm rằng Mỹ “không có xác nhận độc lập nào về tuyên bố từ Hamas liên quan tới cái chết của ông Haniyeh”.

Trước đó, Phong trào Hamas tuyên bố rằng thủ lĩnh chính trị của họ là ông Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong vụ ám sát xảy ra ở thủ đô Iran, và cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát trên. Tuy nhiên, Tel Aviv cho tới nay vẫn chưa phản hồi về những cáo buộc được đưa ra.

Các nước phản ứng như thế nào về vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát?

Cũng liên quan đến sự việc này, ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ “không biết và không liên quan” vụ ông Haniyeh bị ám sát.

Trả lời phỏng vấn đài CNA, ông Blinken tái khẳng định cam kết của Mỹ với lệnh ngừng bắn ở Gaza và cho biết ông sẽ không suy đoán về tác động của vụ ám sát.

“Không có gì làm mất đi tầm quan trọng của việc đạt được lệnh ngừng bắn đưa con tin [Israel] về nhà cũng như vì lợi ích của người dân Palestine” - ông Blinken nói.

Cũng trong ngày 31/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng ông không mong chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông nhưng Mỹ sẽ bảo vệ Israel nếu nước này bị tấn công.

Nga ngày qua “lên án mạnh mẽ” vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát, theo đài RT.

“Những hành động như vậy nhằm chống lại các nỗ lực thiết lập hòa bình trong khu vực và có thể làm mất ổn định đáng kể tình hình vốn đã căng thẳng” - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố lên án vụ tấn công, khẳng định rằng “những kẻ tổ chức vụ ám sát chính trị này hiểu rằng những hành động như vậy tiềm ẩn nhiều hậu quả nguy hiểm cho toàn bộ khu vực”.

Bộ này nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến các cuộc đàm phán giữa Hamas và Israel, kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trên quy mô lớn.

Đại sứ quán Nga tại Tehran gọi vụ ám sát là “tội ác chính trị không thể chấp nhận được”.

Trung Quốc cũng lên án mạnh mẽ việc lãnh đạo Hamas bị ám sát, cảnh báo rằng vụ việc có thể đẩy Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn sâu sắc hơn.

“Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp khu vực thông qua đàm phán và đối thoại", tờ South China Morning Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến.

Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khung-hoang-trung-dong-toan-cau-day-song-sau-vu-am-sat-thu-linh-hamas-336142.html
Zalo