Khủng hoảng trầm trọng tại Volkswagen: Tính cắt giảm lao động, đóng cửa hàng loạt nhà máy

Áp lực chi phí, chậm chạp trong cuộc cách mạng xe điện khiến nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu rơi vào bế tắc.

Theo Reuters, Volkswagen có kế hoạch đóng cửa ít nhất ba nhà máy ở Đức, sa thải hàng chục nghìn nhân viên và thu hẹp quy mô các nhà máy còn lại ở Đức.

Nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đã đàm phán trong nhiều tuần với các công đoàn về kế hoạch tái cấu trúc và cắt giảm chi phí. Đây là lần đầu tiên Volkswagen cân nhắc việc đóng cửa nhà máy trong nước, gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp Đức.

Nhà máy Volkswagen ở Zwickau, Đức, là một trong 10 nhà máy ở nước này. (Ảnh: AFP).

Nhà máy Volkswagen ở Zwickau, Đức, là một trong 10 nhà máy ở nước này. (Ảnh: AFP).

“Ban lãnh đạo đang rất nghiêm túc về vấn đề này. Đây không phải là chiêu trò đàm phán”, bà Daniela Cavallo, người đứng đầu hội đồng nhân viên của Volkswagen, nói với người lao động tại nhà máy lớn nhất ở Wolfsburg.

Bà cũng cảnh báo có thể dừng các cuộc đàm phán. “Đây là kế hoạch của tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Đức nhằm cắt giảm hoạt động ngay tại quê nhà”, bà Cavallo nói, nhưng không nêu rõ những nhà máy nào sẽ bị ảnh hưởng hoặc số lượng nhân viên nào trong khoảng 300.000 người của Volkswagen tại Đức có thể bị sa thải.

Phát biểu của bà Cavallo đánh dấu một bước leo thang đáng kể trong xung đột giữa người lao động và ban lãnh đạo Volkswagen. Công ty hiện đối mặt với áp lực lớn từ chi phí năng lượng, lao động cao, cạnh tranh gay gắt từ châu Á, nhu cầu yếu tại châu Âu và Trung Quốc cũng như việc chậm chạp trong việc chuyển đổi sang xe điện.

Cũng theo bà Cavallo, Volkswagen dự định cắt giảm ít nhất 10% lương và đóng băng lương trong hai năm 2025 và 2026.

Hàng nghìn người lao động đã tập trung tại Wolfsburg, nơi đặt trụ sở Volkswagen gần 9 thập kỷ qua. Họ thổi còi và yêu cầu không đóng cửa bất kỳ nhà máy nào.

Volkswagen tuyên bố sẽ đưa ra các đề xuất về cắt giảm chi phí lao động vào những ngày tới, khi ban lãnh đạo và người lao động gặp nhau trong vòng đàm phán lương thứ hai và công ty công bố kết quả kinh doanh quý III.

“Tình hình rất nghiêm trọng và trách nhiệm của các bên đàm phán là rất lớn. Nếu không có các biện pháp toàn diện để khôi phục khả năng cạnh tranh, chúng ta sẽ không thể đầu tư vào tương lai”, ông Gunnar Kilian, thành viên ban điều hành Volkswagen, cho biết.

Người lao động tập trung phản đối tại trụ sở công ty. (Ảnh: Reuters).

Người lao động tập trung phản đối tại trụ sở công ty. (Ảnh: Reuters).

Ông Thomas Schaefer, Người đứng đầu bộ phận thương hiệu của Volkswagen, cho rằng các nhà máy ở Đức đang hoạt động không hiệu quả và chi phí vận hành cao hơn từ 25-50% so với mục tiêu. Điều này đồng nghĩa một số nhà máy có chi phí gấp đôi so với đối thủ.

“Các kế hoạch này vượt xa dự đoán của thị trường”, ông Daniel Schwarz, một nhà phân tích tại Stifel, nhận xét. “Tôi cho rằng điều này phản ánh sự kết hợp của nhiều yếu tố bất lợi: cạnh tranh tại Trung Quốc, nhu cầu yếu ở châu Âu, đặc biệt là xe điện và các quy định ngày càng chặt chẽ”.

Công đoàn có ảnh hưởng lớn tại Volkswagen, nơi các đại diện lao động chiếm một nửa số ghế trong hội đồng giám sát và, theo quy định, có quyền hợp pháp để đình công.

Tình hình của Volkswagen phản ánh xu hướng chung của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, nơi các ngành công nghiệp chủ chốt như ô tô đang bị cạnh tranh bởi những đối thủ linh hoạt và chi phí thấp hơn.

“Nếu Volkswagen tiếp tục con đường mù mịt này, ban lãnh đạo phải sẵn sàng đối mặt với những hậu quả từ phía chúng tôi”, ông Thorsten Groeger, nhà đàm phán của công đoàn IG Metall, tuyên bố, đồng thời cam kết sẽ có phản kháng quyết liệt. Các cuộc đình công, dự kiến từ đầu tháng 12, gần như chắc chắn sẽ diễn ra.

Trong khi đó, bà Cavallo nhấn mạnh rằng Berlin cần gấp rút đưa ra kế hoạch tổng thể cho ngành công nghiệp Đức để tránh tình trạng “tụt dốc không phanh”.

Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết Berlin đã nắm rõ những khó khăn của Volkswagen và vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với công ty cũng như các đại diện lao động. “Quan điểm của Thủ tướng rất rõ ràng, rằng những sai lầm quản lý trước đây không được phép ảnh hưởng đến người lao động. Mục tiêu hiện tại là duy trì và bảo vệ việc làm”, phát ngôn viên cho biết trong một cuộc họp báo.

Tình hình này xuất hiện sau một tuần đầy tin tức không tốt cho các hãng xe Đức. Cả Mercedes-Benz và Porsche đều cam kết tăng cường các biện pháp cắt giảm chi phí sau khi lợi nhuận giảm do thị trường Trung Quốc suy yếu.

Các nhà sản xuất ô tô Đức cũng lo ngại bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Mức thuế cao từ EU đối với xe điện Trung Quốc sẽ có hiệu lực trong tuần này.

“Tôi nghĩ rằng ai chưa hiểu tình hình thì giờ nên thức tỉnh”, anh Stefan Erhardt, một nhân viên tại nhà máy Volkswagen gần Kassel, Đức, chia sẻ. “Điều này liên quan trực tiếp đến sinh kế tương lai của tất cả chúng ta, từ các nhà cung cấp đến từng tiệm bánh nhỏ quanh đây. Thật lòng mà nói, tôi cảm thấy khá lo lắng”.

Đức Huy

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/khung-hoang-tram-trong-tai-volkswagen-tinh-cat-giam-lao-dong-dong-cua-hang-loat-nha-may.html
Zalo