Khủng hoảng thiếu lương thực tại Gaza và thiếu nước uống tại Sudan

Mùa đông đang đến gần và tình trạng thiếu lương thực đang trầm trọng ở dải Gaza. Tại Sudan, ngoài nạn đói, người dân còn đối mặt tình trạng thiếu nước uống và nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Nhiều người dân trên dải Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực có nguy cơ kéo dài đến mùa đông, do ảnh hưởng của sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng thực phẩm, giữa lúc Israel đóng cửa các cửa khẩu và ngăn chặn hàng hóa thương mại và viện trợ nhân đạo quốc tế vào vùng lãnh thổ bị bao vây cấm vận này.

Người dân Palestine ở Gaza thiếu lương thực. Ảnh: Reuters.

Người dân Palestine ở Gaza thiếu lương thực. Ảnh: Reuters.

Chương trình Lương thực thế giới và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc trong tuần này đã công bố những phát hiện mới nhất trong báo cáo Phân loại Giai đoạn tích hợp (IPC), trong đó nêu bật nguy cơ nạn đói đang diễn ra trên toàn bộ dải Gaza.

Trong tháng 9 và tháng 10, toàn bộ dải Gaza được phân loại ở Giai đoạn 4 (tức Khẩn cấp). Khoảng 1,84 triệu người trên khắp dải Gaza đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức cao - được phân loại ở Giai đoạn 3 (Khủng hoảng), với gần 133.000 người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực thảm khốc - được phân loại là Giai đoạn 5. Do đó, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng nguy cơ nạn đói sẽ tiếp diễn ở Gaza trong mùa đông này nếu giao tranh không sớm chấm dứt và thêm nhiều hàng viện trợ nhân đạo đến được với các gia đình bị ảnh hưởng.

Ông Amjad Al-Shawa, người đứng đầu Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Palestine cho biết: "Việc cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu cho dải Gaza phía Bắc đã bị dừng lại. Mọi thứ cũng đang trở nên tồi tệ hơn ở phần còn lại của dải Gaza".

Ali Al-Qassas, một người Palestine di cư sống tại thành phố Khan Younis ở phía nam dải Gaza, cho biết giờ đây ông không thể tìm thấy bất cứ thứ gì để chống chọi với cái đói do thiếu viện trợ và giá cả tăng cao. Ông thậm chí còn phải nhặt nhạnh thức ăn thừa trong thùng rác.

"Không có thức ăn. Một kilogam cà chua có giá 60 shekel, một kg khoai tây có giá 50 shekel và một kg thịt có giá 100 shekel. Chúng tôi kiếm thức ăn và nước ở đâu và bằng cách nào? Ngay cả giá đường cũng tăng và giá dầu ăn đã lên tới 25 shekel. Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bất kỳ ai".

Ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) mới đây mô tả tình hình ở dải Gaza là “thảm khốc” do khủng hoảng nạn đói và sự lây lan của dịch bệnh. Ông cũng tuyên bố rằng UNRWA đang tiến gần đến "điểm giới hạn" trong các hoạt động của mình tại Gaza do tình hình ngày càng phức tạp.

Bất chấp nhiều lời kêu gọi quốc tế yêu cầu Israel cho phép dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, song quân đội Israel vẫn tiếp tục thực thi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Trong khi đó, người dân ở khu vực thủ đô Khartoum của Sudan đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nước ngày càng trầm trọng cùng với tình trạng thiếu lương thực, trong bối cảnh các đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm như dịch tả và sốt xuất huyết cũng đang lan rộng nhanh chóng tại một số khu vực.

Kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra, cơ sở hạ tầng cung cấp nước quan trọng ở khu vực đô thị của thủ đô Khartoum, bao gồm nhà máy xử lý nước sông Nile và một số trạm cung cấp đô thị, đã bị hư hại nghiêm trọng. Do thiếu nhân sự và phụ tùng sửa chữa, mạng lưới cung cấp nước ở nhiều quận đã bị gián đoạn trong nhiều tháng, khiến hàng chục nghìn hộ gia đình không có nước. Người dân hiện phải dùng xe đẩy để lấy nước từ sông Nile hoặc mua nước chưa qua xử lý, vốn cũng trở nên khan hiếm.

Ông Ahmed Musa, một người dân địa phương cho biết: "Đã không có nước trong 17 ngày. Tình hình thật không thể chịu đựng được. Bây giờ chúng tôi phải mua nước, nhưng giá cả đang tăng vọt. Hai thùng nước có giá 1.000 pound Sudan (khoảng 1,66 USD)".

Khi mùa đông đang đến gần, cuộc khủng hoảng sức khỏe cũng ngày càng trầm trọng và tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản đe dọa sẽ làm leo thang thêm tình hình nhân đạo ở Sudan. Bộ Y tế Sudan vừa thông báo, một chiến dịch tiêm chủng nhằm phòng chống bệnh tả đã bắt đầu được triển khai ở các vùng phía đông và phía bắc của đất nước. Chiến dịch này nhằm mục đích tiêm chủng cho hơn 1,4 triệu người từ một tuổi trở lên. Cũng theo Bộ Y tế Sudan, trong hai tháng qua, Bộ này đã nhận được hơn 1,8 triệu liều vắc-xin phòng bệnh tả do tổ chức GAVI, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung cấp.

Sudan đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi một cuộc xung đột chết người giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự bắt đầu nổ ra kể từ giữa tháng 4 năm ngoái. Kể từ khi xung đột bùng phát, các dịch bệnh như bệnh tả, sốt rét, sởi và sốt xuất huyết đã lây lan, khiến hàng trăm người tử vong. Bộ Y tế Sudan báo cáo, cho đến nay ghi nhận 25.037 trường hợp mắc bệnh tả và 702 trường hợp tử vong liên quan. UNICEF cũng vừa cảnh báo trên nền tảng mạng xã hội X rằng 3,1 triệu người, bao gồm 500.000 trẻ em dưới năm tuổi, có nguy cơ mắc bệnh tả ở Sudan.

Phương Anh/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/khung-hoang-thieu-luong-thuc-tai-gaza-va-thieu-nuoc-uong-tai-sudan-post1129710.vov
Zalo