Khủng hoảng kéo dài ở Afghanistan
2 năm sau khi Taliban cấm các bé gái đến trường sau lớp 6, Afghanistan là quốc gia duy nhất trên thế giới có những hạn chế về giáo dục cho nữ giới. Giờ đây, quyền của phụ nữ và trẻ em Afghanistan đang nằm trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, hơn 1 triệu bé gái bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, mặc dù ước tính có 5 triệu bé gái đã phải nghỉ học trước khi Taliban tiếp quản do thiếu cơ sở vật chất và các lý do khác.
Lệnh cấm đã gây ra sự lên án toàn cầu và vẫn là trở ngại lớn nhất của Taliban trong việc được công nhận là người cai trị hợp pháp của Afghanistan. Nhưng Taliban đã bất chấp phản ứng dữ dội và tiến xa hơn, loại bỏ phụ nữ và trẻ em gái khỏi các cơ hội giáo dục đại học, không gian công cộng và hầu hết các việc làm có tiềm năng.
Những tác động tiêu cực
Bà Roza Otunbayeva - đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tại Afghanistan và là người đứng đầu phái đoàn LHQ tại Afghanistan - cho biết, một trong những tác động rõ ràng của lệnh cấm giáo dục nữ giới là việc thiếu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đầy tiềm năng.
Các nữ sinh viên y khoa đã phải tạm dừng việc học sau khi Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ học cao hơn vào tháng 12 năm ngoái. Phụ nữ Afghanistan làm việc trong các bệnh viện và phòng khám - chăm sóc sức khỏe là một trong số ít lĩnh vực mở ra cho họ - nhưng nguồn nhân lực có trình độ sẽ cạn kiệt. Phụ nữ Afghanistan không được gặp bác sĩ nam, vì vậy trẻ em cũng sẽ mất đi sự chăm sóc y tế nếu phụ nữ là người chăm sóc chính cho chúng.
“Nhìn về tương lai, các nữ bác sĩ, nữ hộ sinh, bác sĩ phụ khoa hay y tá sẽ đến từ đâu? Trong một xã hội phân biệt giới tính nghiêm ngặt, làm thế nào phụ nữ Afghanistan có thể nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất nếu không có chuyên gia nữ điều trị cho họ?” - bà Otunbayeva lo lắng.
Lệnh cấm nữ giới học trung học không chỉ liên quan đến quyền của nữ sinh. Đó là một cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ đối với tất cả người dân Afghanistan.
Hàng chục nghìn giáo viên mất việc. Nhân viên hỗ trợ cũng thất nghiệp. Các tổ chức tư nhân và doanh nghiệp được hưởng lợi tài chính từ việc giáo dục trẻ em gái bị ảnh hưởng. Afghanistan có nền kinh tế tụt hậu và thu nhập của người dân đang giảm mạnh. UNICEF cho biết, việc loại bỏ phụ nữ khỏi thị trường việc làm sẽ làm tổn hại đến GDP của đất nước lên tới hàng tỷ USD.
Có những hậu quả khác đối với người dân nói chung, như sức khỏe cộng đồng và bảo vệ trẻ em.
Theo các nhóm viện trợ, các bé gái có nguy cơ phải lao động từ sớm và tảo hôn cao hơn vì các em không được đến trường, trong bối cảnh các gia đình phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng.
Tương lai thế nào?
Taliban đã tiến hành một cuộc thánh chiến kéo dài hàng thập kỷ để thực hiện tầm nhìn của họ về Sharia (một bộ luật và các quy tắc trong đời sống hàng ngày của người Hồi giáo). Họ không lùi bước một cách dễ dàng. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt, tài sản bị phong tỏa, việc thiếu sự công nhận chính thức và sự lên án rộng rãi đã tạo ra không ít sự khác biệt.
Các quốc gia có mối quan hệ với Taliban có thể tạo ra ảnh hưởng, nhưng họ có những ưu tiên khác nhau. Pakistan lo ngại về sự trỗi dậy của hoạt động phiến quân. Iran và các nước Trung Á có những bất bình về tài nguyên nước.
Có nhiều khả năng áp lực đến từ bên trong Afghanistan. Bởi sự cai trị của Taliban ngày nay khác với sự cai trị của nhiều thập kỷ trước. Các lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả người phát ngôn trưởng Zabihullah Mujahid, đều dựa vào mạng xã hội để đưa ra những thông điệp quan trọng tới người Afghanistan trong và ngoài nước.
Họ chỉ ra sự thành công của họ trong việc loại bỏ ma túy và trấn áp các nhóm vũ trang như Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nhưng việc cải thiện an ninh và xóa bỏ cây thuốc phiện mới chỉ làm người dân hài lòng ở một mức độ nào đó.
Trong khi đó, người Afghanistan không chỉ có lo lắng duy nhất về việc trẻ em gái không được học hành, họ còn có những lo lắng cấp thiết hơn như kiếm tiền, nấu ăn, có mái nhà che nắng và sống sót sau hạn hán và mùa đông khắc nghiệt.
Ở Afghanistan, Taliban mong muốn có được sự chấp nhận của quốc tế để nền kinh tế có thể phát triển. Chuyên gia nghiên cứu khu vực Nam Á và Trung Đông Hassan Abbas cho biết, dư luận ngày nay có ảnh hưởng hơn nhiều so với thời kỳ Taliban cai trị vào những năm 90. “Áp lực nội bộ từ những người dân thường Afghanistan cuối cùng sẽ gây áp lực cho chính quyền Kandahar và tạo ra sự khác biệt”.
Nhưng có thể phải mất nhiều năm hậu quả của lệnh cấm mới tác động đến đàn ông Afghanistan và gây ra làn sóng bất ổn. Hiện tại, nó chỉ ảnh hưởng đến các bé gái và chủ yếu là phụ nữ phản đối hàng loạt hạn chế.
Ông Syed Akbar Agha - cựu chỉ huy tiền tuyến của Taliban - cho biết, người Afghanistan sẽ ủng hộ lệnh cấm nếu mục tiêu cuối cùng là chấm dứt việc phân biệt giới tính. Nhưng họ sẽ không làm như vậy nếu chỉ đơn giản là chấm dứt hoàn toàn việc giáo dục trẻ em gái. “Tôi nghĩ chỉ có quốc gia mới có thể dẫn đường” - ông Agha nói.
Theo bà Bahous - Giám đốc điều hành UN Women, cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - gần 25% số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới. Việc chính quyền Afghanistan hiện nay đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ trong việc tham gia kinh tế-xã hội có thể ảnh hưởng nặng nề đến khoảng 2 triệu phụ nữ. Bà Bahous kêu gọi cộng đồng quốc tế kiên trì ủng hộ sự thay đổi ở Afghanistan.