Khủng hoảng bất động sản tác động đến nền kinh tế Trung Quốc
Từng phải đau đầu về tình trạng đầu cơ tích trữ bất động sản cách đây gần 20 năm, Trung Quốc đã từng bước mạnh tay siết chặt và ngăn chặn đầu cơ bất động sản, để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá về quản lý hiệu quả giá nhà đất, giúp hàng triệu người lao động có cơ hội sở hữu căn nhà của riêng mình.
Cuộc chiến chống đầu cơ bất động sản ở Trung Quốc bắt đầu từ gần hai thập kỷ trước, khi giá nhà đất ở nước này bắt đầu tăng cao. Thời điểm ấy, hàng chục triệu căn hộ ở khắp các đô thị của Trung Quốc đã xây xong từ lâu nhưng không có người ở. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là tình trạng đầu cơ bất động sản, mua với mục đích đầu tư sinh lời, khiến tình trạng nhà bị bỏ trống càng nhiều.
Cuối năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra chủ trương “nhà là để ở, chứ không phải để đầu cơ”, đồng thời chỉ đạo thiết lập một hệ thống chính sách để “kiểm soát và điều chỉnh” thị trường.
Mục tiêu của hệ thống này tập trung vào việc phân biệt người đầu cơ với người mua nhà có nhu cầu ở thực. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô, chính quyền quy định rất nghiêm ngặt về việc sở hữu nhà thứ 2 trở lên. Người mua căn thứ 2 phải đặt cọc từ 60 - 85%, căn thứ 3 đến 100%. Thuế cũng đánh mạnh vào căn hộ thứ 2 trở đi. Ngoài ra, Bắc Kinh, Thượng Hải còn nghiêm ngặt hơn trong việc quy định hộ khẩu khi xét duyệt mua nhà. Thành phố Đường Sơn, phía Đông Bắc đất nước, thì quy định bất kỳ ai mua nhà đều phải nắm giữ tài sản ít nhất 3 năm rưỡi. Giá bất động sản vì thế cũng đã hạ nhiệt.
Đã có sự thay đổi căn bản trong quan điểm của người Trung Quốc về bất động sản. Bất động sản không còn được xem là một kênh đầu tư an toàn.
Ông Raymond Yeung, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng ANZ.
Đến năm 2010, thị trường bất động sản ở Trung Quốc liên tục nóng trở lại, giá nhà đất tăng chóng mặt, chính phủ nước này đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế mua nhà đối với gần 50 thành phố trên cả nước. Năm 2017, nhằm kìm hãm đà “tăng nóng” của thị trường bất động sản, Trung Quốc sử dụng công cụ nâng lãi suất đối với các khoản vay mua nhà. Động thái điều chỉnh trên đã khiến doanh số bán nhà ở Trung Quốc sụt giảm mạnh, riêng tại hai thị trường lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thâm Quyến, mức giảm gần 50%.
Với nỗ lực ngăn chặn đầu cơ, chính quyền Trung Quốc đã đặt ra các thủ tục vay tiền nhà phức tạp, không nhẹ tay với các chủ thầu xây sai lệch so với bản vẽ gốc, quản lý chặt giá tiền thuê nhà và hoa hồng của nhà môi giới. Chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng cho phép các công ty bất động sản gặp khó khăn phá sản.
Các nhà phân tích cho rằng, chính sách hạn chế mua nhà ở Trung Quốc đang phần nào phát huy hiệu quả, khi tình trạng đầu cơ nhà trên thị trường đã không còn lan tràn.