Khung cửi của người Tày

Khung cửi của người Tày không chỉ là công cụ thủ công để dệt ra những tấm vải thổ cẩm đẹp mắt, mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Tày xưa. Chúng tôi đã có dịp đến thăm thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) nơi khung cửi vẫn được người dân giữ gìn và sử dụng hàng ngày.

 Bà Hoàng Minh Duyên, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) bênh khung cửi dệt thổ cẩm của gia đình.

Bà Hoàng Minh Duyên, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) bênh khung cửi dệt thổ cẩm của gia đình.

Ngay từ khi bước chân vào ngôi làng, tiếng cọt kẹt của khung cửi vang lên từ những ngôi nhà sàn truyền thống đã thu hút sự chú ý của chúng tôi. Bà Hoàng Minh Duyên, năm nay 66 tuổi niềm nở tiếp đón và dẫn chúng tôi tham quan khung cửi của gia đình bà. Bà Duyên chia sẻ: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy bà và mẹ mình ngồi bên khung cửi. Tiếng cọt kẹt của khung cửi trở thành âm thanh quen thuộc trong ngôi nhà. Tôi học cách dệt từ mẹ, từng sợi chỉ, từng đường dệt đều chứa đựng những kỷ niệm và tình cảm gia đình".

Khung cửi của người Tày được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau như: khau, phứm, ống bu, cút nả phá, que tép đan hoa, con thoi, cán cáng, lép mở, lép cuốn. Mỗi bộ phận đều có vai trò riêng biệt, đóng góp vào quá trình tạo nên những tấm vải thổ cẩm độc đáo. Những chi tiết đắt giá trên khung cửi như con thoi và cán cáng được chế tạo bằng gỗ quý hiếm như gỗ sưa và gỗ gụ, mang lại giá trị tinh thần và vật chất vô cùng to lớn.

Du khách khám phá nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Homestay thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)

Du khách khám phá nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Homestay thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)

Không chỉ là công cụ, khung cửi còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi bộ khung cửi mất từ 3 đến 5 tháng để hoàn thành, và thời gian lưu giữ có thể lên đến 5-10 năm. Chính vì vậy, khung cửi được bảo quản cẩn thận ở nơi khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ của ngôi nhà sàn truyền thống. Đối với người Tày, khung cửi không chỉ là một phần trong đời sống hàng ngày mà còn là một phần của di sản văn hóa.

Người Tày còn là những nghệ nhân tài năng trong quá trình chế tạo khung cửi. Việc dệt vải trên khung cửi đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Mỗi động tác đều phải thật chính xác và nhịp nhàng từ kéo sợi dệt lên khuôn, đan nền hoa, luồn sợi vào nền, dệt hoa kép... tất cả đều là những công đoạn đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và tình yêu thủ công sâu sắc.

Các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật dệt thủ công tinh xảo.

Các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật dệt thủ công tinh xảo.

Bà Duyên nhớ lại: Mỗi lần dệt xong một tấm vải, tôi cảm thấy như mình đã góp phần giữ gìn một phần nhỏ bé của văn hóa dân tộc. Đó là niềm tự hào và hạnh phúc mà không gì có thể thay thế".

Khung cửi của người Tày không chỉ là một công cụ thủ công mà còn là nghệ thuật trong quá trình dệt vải. Những nét đẹp trong quá trình chế tạo và sự gìn giữ cẩn thận của nó là minh chứng cho sự kiên trì và tình yêu của người Tày đối với nghệ thuật và di sản văn hóa của họ. Truyền thống này không chỉ là một phần của quá khứ mà còn là niềm hy vọng cho tương lai, nơi mà các giá trị văn hóa được truyền lại cho các thế hệ sau.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/khung-cui-cua-nguoi-tay-196244.html
Zalo