Khúc mắc việc chuyển nhượng cầu thủ Hồ Thanh Minh và câu chuyện quản lý

Hà Nội FC suýt chút nữa phải trả lại cầu thủ Hồ Thanh Minh cho CLB Huế. Lý do là bởi cầu thủ này có tới… 2 bản hợp đồng. Bên cạnh bản hợp đồng chuyên nghiệp với đội bóng cố đô, anh còn có thêm 1 bản hợp đồng… đào tạo trẻ với Đoàn bóng đá của Huế!

Chuyện hi hữu trong chuyển nhượng cầu thủ Hồ Thanh Minh

Với những ai quen theo dõi chuyện "mua bán" cầu thủ châu Âu, chuyện chuyển nhượng tại V.League như một thế giới khác biệt. Hàng loạt những thông tin về tranh cãi trong chiêu mộ cầu thủ đủ khiến những ai không quen với bóng đá Việt Nam cảm thấy đau đầu hay khó hiểu. Đơn cử như câu chuyện giữa Hà Nội FC, Hồ Thanh Minh, CLB Huế và Đoàn Bóng đá Huế.

Hà Nội FC cố gắng tìm cách tháo gỡ vụ chuyển nhượng Hồ Thanh Minh.

Hà Nội FC cố gắng tìm cách tháo gỡ vụ chuyển nhượng Hồ Thanh Minh.

Câu chuyện chuyển nhượng này liên quan tới 4 bên, thay vì 3 bên như một công thức kinh điển trong mua - bán cầu thủ trên thế giới. Thực tế, ban đầu thương vụ Hồ Thanh Minh đúng là diễn ra song phương. Theo đó, cầu thủ người dân tộc Tà Ôi này nhận được giấy thanh lý từ CLB Huế, sau khi kết thúc hợp đồng chuyên nghiệp của mình. Anh cùng người đại diện Andrey Grushin (có thân chủ là thủ môn Đặng Văn Lâm nổi tiếng) đàm phán với Hà Nội FC. Tất nhiên, khi đã có giấy thanh lý từ phía CLB Huế, đội bóng thủ đô tự tin thương lượng với Thanh Minh, trước khi tiến đến ký kết hợp đồng và công bố anh trước truyền thông đại chúng.

Nhưng mọi chuyện đau đầu mới từng bước xảy ra. Ngay sau khi Hà Nội FC công bố Thanh Minh thì một fanpage liên quan đến bóng đá trẻ của Huế bất ngờ đưa tin Hồ Thanh Minh vắng mặt trong buổi tập. Điều đó khiến giới mộ điệu nửa buồn cười, nửa khó hiểu. Bởi lẽ, cầu thủ này đã chia tay Huế và trở thành người của Hà Nội FC! Nhiều người thậm chí còn bức xúc, chỉ trích hay mỉa mai người quản trị của trang facebook này chưa cập nhật thông tin mới nhất về chuyển nhượng.

Nhưng đa số người hâm mộ nào có hay người quản trị trang facebook này còn biết thông tin phía sau nhanh hơn 1 bước. Bởi Thanh Minh chưa giải quyết hết thời hạn ở một bản hợp đồng khác, liên quan đến đào tạo trẻ với Đoàn Bóng đá Huế. Chính xác hơn, anh còn hợp đồng đến tháng 2/2025! Mà quả thật, chẳng ai có thể tin rằng một cầu thủ Việt Nam phải thực hiện tới 2 bản hợp đồng khác nhau, ở 2 thời điểm khác nhau như vậy. Thậm chí, một cầu thủ dù đã hoàn thành hợp đồng chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa hết nghĩa vụ... đào tạo trẻ với một tổ chức khác!

Quản lý chồng chéo

Phía Hà Nội FC coi trường hợp Hồ Thanh Minh là hi hữu của bóng đá Việt Nam. Quả thực, thông thường cầu thủ Việt Nam đều có 2 bản hợp đồng. Nhưng họ sẽ kết thúc hợp đồng đào tạo trẻ ở giai đoạn trước hoặc cùng lúc với hợp đồng chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do mà chuyện của Thanh Minh tương đối khác biệt.

Nắm được chuyện éo le này, đại diện lãnh đạo của Hà Nội FC tức tốc vào Huế để giải quyết dứt điểm vụ việc. Đoàn Bóng đá Huế quyết định đưa việc này lên Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lo liệu. Đến giờ, mọi chuyện có phần êm xuôi. Hà Nội FC vẫn sẽ tiếp tục sử dụng Hồ Thanh Minh. Nhưng hiển hiện, với thời hạn hợp đồng đào tạo trẻ còn tới nửa năm giữa Thanh Minh và Đoàn Bóng đá Huế, đội bóng thủ đô cũng không thể lấy anh mà không phải chi ra một khoản tiền đền bù phần còn lại của giao kèo kể trên.

Câu chuyện này sau cùng sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Thanh Minh vẫn sẽ tiếp tục là người của Hà Nội FC thay vì phải trở lại Huế để giải quyết phần còn lại hợp đồng. Nhưng ở tầm vĩ mô, một mối quan hệ khá chồng chéo về việc quản lý đội bóng, cầu thủ tại Việt Nam vẫn sẽ diễn ra mà chưa thể có phương án thấu đáo để gỡ nút thắt êm đẹp.

Có quan điểm cho rằng, CLB bao gồm cầu thủ trẻ được đào tạo ở địa phương, sân vận động nên được giao hết cho công ty quản lý CLB hay nội lực đội bóng sở hữu, thay vì vẫn thuộc quyền quản lý phía sau của Sở Văn hóa, Thể thao địa phương như hiện tại. Kịch bản ấy đẹp nhưng khó lòng xảy ra tại Việt Nam.

Bởi lẽ ngay bản thân công ty quản lý CLB kể trên cũng chưa đủ tiềm lực để sẵn sàng làm chủ đích thực một đội bóng. Công thức mà bóng đá Việt Nam, kể cả ở cấp độ chuyên nghiệp thường thực hiện là một doanh nghiệp, dưới sự hỗ trợ của địa phương sẽ đầu tư cho CLB bóng đá thuộc địa phương ấy. Tùy từng mức độ về nền tảng tài chính, họ có thể quán xuyến đội 1 và đính kèm là các cấp độ trẻ của bóng đá địa phương này.

Nhưng cũng từ nền tảng tài chính này, doanh nghiệp kể trên có thể theo bóng đá địa phương theo đường dài hay ngắn. Thông thường tại V.League hay hạng Nhất, chuyện các doanh nghiệp xin phép chia tay để một Mạnh thường quân khác vào làm việc thường diễn ra ở chu kỳ 4-5 năm. Và hẳn nhiên, trong quá trình chuyển giao như vậy, Sở Văn hóa, Thể thao của địa phương lại phải còng lưng gánh trách nhiệm quản lý!

Câu chuyện ấy đã trở thành điệp khúc với đại đa số các CLB Việt Nam trong 2 thập kỷ qua. Và đến hiện tại, điều đó vẫn chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại!

Chuyển biến tích cực về chuyển nhượng V..League

Mới nhất, CLB Thể Công Viettel đã chấp nhận bán cầu thủ Cao Trần Hoàng Hùng cho Bình Định với giá 1 tỷ đồng. Con số này tương đương với chế độ đãi ngộ trong 1 năm hợp đồng còn lại giữa Thể Công Viettel và cầu thủ kể trên. Dẫu sao, việc V.League chứng kiến sự chuyển nhượng, mua bán qua lại giữa 2 CLB như trường hợp Thể Công Viettel và Bình Định cũng là điều hiếm gặp trước đó.

Đây có thể xem như đòn bẩy kích thích thị trường chuyển nhượng V.League chuyển biến theo hướng mua, bán minh bạch trong tương lai gần. Được biết sau Hoàng Hùng, Thể Công Viettel cũng sẽ đồng ý mức phí chuyển nhượng với con số tương đương, trong việc để 1 cầu thủ của mình sang CLB Hải Phòng tới đây.

Trước đó, chính CLB Thể Công Viettel cũng từng tuyên bố muốn bán Hoàng Đức. Nhưng với việc Hoàng Đức chỉ còn nửa năm hợp đồng với đội bóng áo lính, ý định chuyển nhượng này không nhận được sự hồ hởi đến từ các CLB khác tại Việt Nam.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/khuc-mac-viec-chuyen-nhuong-cau-thu-ho-thanh-minh-va-cau-chuyen-quan-ly-i740970/
Zalo