Khu vực Tây Nguyên khả năng có 4.300 đến 7.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước
Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, trong tháng 3, tại khu vực Tây Nguyên ở các tỉnh Gia Lai và một số nơi của tỉnh Đắk Lắk phổ biến mưa nhỏ, lượng mưa từ 2 đến 10mm, thấp hơn từ 70 đến 100% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm.

Ảnh hưởng của hạn hán khiến nhiều diện tích lúa ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) bị thiệt hại. (Ảnh: ĐINH SỸ TẠO)
Ở khu vực này, dung tích toàn bộ các hồ chứa thủy lợi hiện đạt từ 39 đến 77% dung tích thiết kế, thấp hơn 3% so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, các hồ thủy điện ở Tây Nguyên trong tháng 3 giảm khoảng 429 triệu m3. Trong đó, lưu vực sông Sê San các hồ giảm khoảng 317 triệu m3. Lưu vực sông Srêpốk các hồ giảm khoảng 96 triệu m3.
Do nắng nóng nên xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số địa phương, trong đó có khoảng 71ha lúa nằm ngoài khu tưới của các hệ thống thủy lợi trên địa bàn các xã: Adơk, Trang và Kdang, huyện Đak Đoa (Gia Lai). Tại tỉnh Kon Tum có 3ha ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước.
Vụ đông xuân 2024-2025, các tỉnh khu vực Tây Nguyên gieo trồng khoảng 194,2 nghìn ha cây trồng, trong đó lúa là 91,2 nghìn ha, 103 nghìn ha cây hàng năm khác...
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, trong tháng 4 có thể xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ đối với những diện tích cây trồng với diện tích bị ảnh hưởng từ 4.300 đến 7.000ha. Trong đó, tỉnh Kon Tum 300 đến 500ha, Gia Lai 1.000 đến 1.500ha, tỉnh Đắk Lắk 2.000 đến 3.000ha, tỉnh Đắk Nông 1.000 đến 2.000ha.
Ngoài ra, khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa thủy lợi đến cuối tháng 4 đạt khoảng 54% dung tích thiết kế.
Dự báo nắng nóng diện rộng có khả năng xuất hiện từ tháng 4 nên khu vực này có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở thời gian cuối mùa khô tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu với diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 3.000 đến 5.000ha.