Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics Việt Nam
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại.
Logistics là "mạch máu" của nền kinh tế
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 ngày 2/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngành dịch vụ logistics Việt Nam những năm gần đây đã có những bước phát triển khá mạnh, tăng trưởng bình quân đạt 14-16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế trong khu vực và thế giới.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines). Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước.
Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm.
Tiềm năng phát triển khu thương mại tự do
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp; các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường.
Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến thời điểm hiện tại, theo Statista). Chính những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Đây là một loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics.
Vừa qua, TP Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm thành lập khu thương mại tự do, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
"Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế thì việc nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng, thành lập và phát triển mô hình các khu thương mại tự do nên được thực hiện sớm để tận dụng thời cơ, góp phần đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu"
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, kết nối với TP HCM và các tỉnh, thành phố khác bằng đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không. Đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng về du lịch, tài chính, cảng biển và logistics.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 24 ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 370 ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã định hướng “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.
Cùng với đó, Quyết định số 200 của Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng, nâng cao lưu lượng hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đưa cụm cảng trở thành đầu mối thu gom và trung chuyển hàng hóa trong khu vực”.
"Việc sớm thành lập được Khu thương mại tự do tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là đòn đẩy quan trọng góp phần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo sự cộng hưởng nhằm khơi dậy các tiềm năng sẵn có của địa phương này," Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Đưa logistics thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chỉ ra 6 xu hướng logistics trên thế giới và tác động đến Việt Nam đó là: cạnh tranh quyết liệt về khai thác lợi thế địa chính trị; sự dịch chuyển định hình lại các chuỗi cung ứng; liên minh, liên kết để tận dụng lợi thế quy mô; ứng dụng công nghệ tự động hóa sâu sắc; hướng đến chuỗi cung ứng xanh, logistics xanh; đề cao vai tròng quyết định của con người, nhân lực.
“Ngành logistics là một trong 3 ngành có lượng phát thải rất lớn cùng với sản xuất công nghiệp và năng lượng. Trong đó, ngành vận tải chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất khi các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Vì vậy, xu hướng logistics xanh trước tiên thể hiện ở việc chuyển đổi nguồn năng lượng ít phát thải hơn, sử dụng phương thức tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất vận chuyển,” ông Trần Thanh Hải nói.
Xu hướng ứng dụng công nghệ, tự động hóa cũng đang được diễn ra nhanh và mạnh. Thương mại điện tử hiện đang là hướng chủ đạo và logistics trong thương mại điện tử không thể không áp dụng công nghệ.
Trên cơ sở hiện trạng cũng như các xu hướng phát triển của ngành dịch vụ logistics, Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics đồng bộ, toàn diện và tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo ông Trần Thanh Hải, dự thảo chiến lược được xây dựng với các quan điểm: phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; coi logistics là một ngành dịch vụ trọng điểm, ưu tiên cao để phát triển; 5 mũi nhọn để phát triển chiến lược gồm: thể chế, hạ tầng, doanh nghiệp, nhân lực, công nghệ; khai thác tối đa lợi thế địa chính trị; dự báo và theo kịp xu hướng phát triển logistics trên thế giới; liên kết vùng, phát triển đồng đều giữa các địa phương.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2035, tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 8-12%; 80% số doanh nghiệp logistics chuyển đổi số; 70% lao động được đào tạo chuyên môn; 70-80% tỷ lệ thuê ngoài; chi phí logistics/GDP chiếm từ 12-15% (hiện đang là 16-18%); xếp hạng LPI đạt trên 40 trở lên.
Để đạt được mục tiêu đề ra và đưa logistics thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, theo ông Trần Thanh Hải, việc cần làm đầu tiên là sớm hình thành cảng trung chuyển. Điều này sẽ giúp tận dụng lợi thế về địa chính trị, giúp Việt Nam gia tăng nguồn hàng cho các dịch vụ logistics.
"Hiện chúng ta có cảng Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu là những cảng cửa ngõ, đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam là chính. Còn với nguồn hàng từ các nước đến cảng, xử lý tại đây và di chuyển đi các nước giống như Singapore hay HongKong (Trung Quốc) đã làm thì chúng ta chưa có. Kỳ vọng tới đây cảng Cần Giờ sẽ là một cảng trung chuyển hàng hóa của Việt Nam," ông Hải nói.
Tiếp đó là cần xây dựng đội tàu quốc gia. Hiện Việt Nam có đội tàu biển lớn, nhưng tải trọng nhỏ, số lượng chủ tàu đông, do đó, các đội tàu biển container vẫn mang tính chất phân tán, phân mảnh. Chúng ta chưa có hãng tàu lớn, nhất là các hàng tàu container. Theo ông Hải, việc xây dựng đội tàu container xứng tầm là việc cần làm. Bên cạnh đó là đội tàu bay vận tải hàng hóa, là dịch vụ hiện đang có nhu cầu rất cao, nhất là sau thời kỳ Covid-19.
Thứ ba là cần xây dựng khu thương mại tự do.
"Về xây dựng khu thương mại tự do, hiện nay chúng ta đang có điểm vướng đó là thiếu thể chế. Do đó, trong thời gian tới, khi Chính phủ sửa đổi Nghị định số 35/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và đưa thêm nội hàm về khu thương mại tự do, việc này sẽ mở 'cánh cửa' để khu thương mại tự do phát triển"
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Thứ tư, đó là xây dựng trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh, tự động và xanh.
Ngoài ra, còn một số giải pháp cũng được ông Trần Thanh Hải đề cập đến như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, vốn hay tiếp cận đất đai; thu hút đầu tư; phát triển thị trường; kiện toàn bộ máy.
"Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đồng tâm, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp; chúng ta cùng nhau xây dựng ngành logistics Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh và tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc," lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Về hạ tầng, logistics Việt Nam gồm hạ tầng đường bộ chiếm 61-64% hàng hóa vận tải bằng đường bộ; 3.143 km mạng lưới đường sắt và 277 ga, mật độ đường sắt đạt 9,5 km/1.000 km2, đạt mức trung bình ASEAN và thế giới, xếp 58/141 về mật độ mạng lưới.
Việt Nam có hơn 17.000 km đường thủy nội địa đang khai thác; 310 cảng, 6.274 bến thủy nội địa và 18 cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải trên 3.000 tấn, có 20 cảng có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.
Với hệ thống vận tải đường biển, Việt Nam có 286 bến cảng thuộc 5 nhóm cảnh biển, chiều dài cầu cảng xấp xỉ 100 km; 2 cảng biển loại đặc biệt tiếp nhận được tàu container đến 132.000 DWT tại Lạch Huyện, tàu đến 214.000 DWT tại Cái Mép; 1.477 tàu, tổng trọng tải 11,6 triệu DWT, đứng thứ 2 ASEAN và thứ 22 trên thế giới; 32 tuyến, trong đó có 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa. Hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không đang khai thác, cùng với 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp.
Về doanh nghiệp dịch vụ logistics, hiện có 46.428 doanh nghiệp vận tải, kho bãi; 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3 PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba);...