Khu phố Lê Lợi, minh chứng rõ nét của sự giao thoa hai nền văn hóa Pháp - Việt

HNN.VN - Nhận định này được TS.KTS Nguyễn Ngọc Tùng (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) nhấn mạnh tại buổi tọa đàm 'Kiến trúc Pháp thuộc và 'phố Tây' tại TP. Huế' diễn ra chiều 11/5 tại Không gian Sách và Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi, quận Thuận Hóa).

 TS.KTS Nguyễn Ngọc Tùng (thứ 2, từ phải) trao đổi tại buổi tọa đàm

TS.KTS Nguyễn Ngọc Tùng (thứ 2, từ phải) trao đổi tại buổi tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức bởi NXB Đại học Huế, CLB Sách và Văn hóa Huế, thu hút sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đông đảo người yêu văn hóa Huế.

Cố đô Huế được biết đến là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Từ cuối thế kỷ XIX, cùng với sự xác lập quyền lực của thực dân Pháp, diện mạo đô thị Huế đã trải qua nhiều biến đối quan trọng. Nếu khu vực bờ Bắc sông Hương, Kinh thành Huế vẫn giữ vai trò trung tâm quyền lực của triều Nguyễn, thì ở bờ Nam sông Hương, một khu đô thị mới dần hình thành. Một đô thị mang dấu ấn kiến trúc phương Tây, phản ánh chiến lược quy hoạch và quản lý đô thị của chính quyền thuộc địa.

Theo TS. Tùng, khu phố Lê Lợi từng biết đến là “khu phố Tây” của Huế. Dọc theo tuyến phố này, nhiều công trình công sở, hành chính, thương mại, giáo dục và biệt thự mang (và giao thoa) phong cách kiến trúc phương Tây đã được xây dựng, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho đô thị Huế đầu thế kỷ XX.

UVTV Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thuận Hóa Phan Thiên Định (thứ 2, từ phải) cùng các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

UVTV Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thuận Hóa Phan Thiên Định (thứ 2, từ phải) cùng các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

TS. Nguyễn Ngọc Tùng cùng với cộng sự của mình đã khảo sát, nghiên cứu 89 công trình kiến trúc Pháp thuộc tại TP. Huế, nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện về sự phát triển đô thị và kiến trúc thời kỳ này. Các công trình này được chia ra nhiều phong cách tiêu biểu như Tiền thuộc địa, Tân cổ điển, Địa phương Pháp, Art Deco cho đến kiến trúc Đông Dương. Cùng với đó, nhóm đã nghiên cứu và phân tích kỹ càng quá trình hình thành khu phố Lê Lợi, những thay đổi về quy hoạch, cũng như tác động của nó đối với sự phát triển đô thị Huế sau này.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều công trình kiến trúc Pháp thuộc đang đối diện với nguy cơ xuống cấp hoặc bị thay thế bởi các công trình hiện đại, việc nghiên cứu, ghi chép và bảo tồn các giá trị kiến trúc, lịch sử này càng trở nên cấp thiết”, TS. Tùng chia sẻ. Qua đó, ông hy vọng những nghiên cứu của mình và cộng sự sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến quỹ di sản kiến trúc Pháp thuộc Huế, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản trong quá trình phát triển đô thị bền vững.

N. MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/khu-pho-le-loi-minh-chung-ro-net-cua-su-giao-thoa-hai-nen-van-hoa-phap-viet-153489.html
Zalo