Khu kinh tế thanh niên ở Phú Thọ được xếp hạng Di tích quốc gia
Việc được công nhận là Di tích quốc gia góp phần khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của Địa điểm Khu kinh tế thanh niên năm 1970 tại xã Minh Đài.
Bộ VHTT&DL vừa ban hành quyết định số 1017/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích lịch sử Địa điểm Khu kinh tế thanh niên năm 1970 tại xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Việc được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia góp phần khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của Địa điểm Khu kinh tế thanh niên năm 1970 tại xã Minh Đài, thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cha, anh đi trước; bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Tấm bia ghi dấu tích ngày 20/9/1972 quân Mỹ ném bom xuống Khu kinh tế thanh niên khiến 45 thanh niên xung phong hy sinh. Ảnh: ND
Đồng thời, góp phần giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ngày 23/2/1971, Khu kinh tế thanh niên được thành lập trên địa bàn 7 xã của huyện Thanh Sơn (nay thuộc huyện Tân Sơn), trong đó xã Minh Đài là trung tâm.
Khu kinh tế thanh niên có nhiệm vụ xây dựng thí điểm mô hình đưa thanh niên miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi, trồng cây nông sản xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu để đổi lấy hàng hóa phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khu kinh tế thanh niên đã thu hút 600 thanh niên từ các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phú, Hải Hưng, Nam Hà, Thái Bình, Hải Phòng và Hà Nội.
Với tinh thần nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc, những thanh niên ưu tú không quản ngại khó khăn, gian khổ, xung phong lên đường làm nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng vùng kinh tế mới, học tập văn hóa, rèn luyện chính trị. Thông qua lao động sản xuất để đào tạo lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên” theo công thức 8+2+2 tức là 8 giờ sản xuất, 2 giờ học tập, 2 giờ luyện tập quân sự.
Sau một năm vượt khó khăn, gian khổ, cuộc sống tạm thời ổn định thì ngày 20/9/1972, máy bay Mỹ đã tập kích bất ngờ Khu kinh tế thanh niên.
Máy bay Mỹ đã ném 128 quả bom, phóng nhiều tên lửa vào trung tâm khiến 45 cán bộ đội viên thanh niên xung phong hy sinh, 26 người bị thương. Ngay sau sự kiện này, ngày 30/9/1972, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã gửi thư chia buồn tới Khu kinh tế thanh niên.
Sau sự hy sinh, mất mát của đồng đội, tập thể cán bộ, công nhân Khu kinh tế thanh niên đã biến đau thương thành hành động, tiếp tục lao động sản xuất và chiến đấu, với tinh thần “con cháu Bác Hồ làm việc bằng hai để trả thù cho đồng chí, đồng đội.”

Quyết định số 268 ngày 23/12/1970 do Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký cho phép Trung ương đoàn huy động 500 đoàn viên ưu tú đi xây dựng kinh tế mới. Ảnh: TL
Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Khu kinh tế thanh niên đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của các bộ, ngành Trung ương.
Năm 2012, tỉnh Phú Thọ đã xếp hạng Khu kinh tế thanh niên xã Minh Đài là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.