Khu Di tích khảo cổ Gò Thành: Nơi lưu giữ dấu tích nền văn hóa cổ ở Nam bộ

Gò Thành là một gò đất có nhiều gạch, tọa lạc tại ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cách TP. Mỹ Tho khoảng 14 km. Nơi đây đã tìm thấy những di chỉ quan trọng của nền văn hóa cổ xưa, có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên. Qua nhiều năm khảo sát, đến năm 1987, Di tích khảo cổ Gò Thành được khẳng định là di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo.LƯU GIỮ NHIỀU HIỆN VẬT CỔ

Tham quan Khu di tích khảo cổ Gò Thành, bạn sẽ tận mắt thấy toàn bộ hiện trường nơi khai quật là một khu đất rộng có chứa rất nhiều di tích cổ xưa nằm dưới giồng đất cát pha sét sâu từ 2 - 3 m, trong một gò đất rộng hơn 17.000 m2. Qua các đợt khai quật, di tích Gò Thành đã thu được 271 hiện vật, trong đó có 196 hiện vật chất liệu vàng (111 hiện vật tìm thấy trong lòng mộ, 85 hiện vật tìm thấy bên ngoài).

Đoàn viên thanh niên huyện Chợ Gạo tìm hiểu nền văn hóa Óc Eo tại Khu di tích khảo cổ Gò Thành.

Đoàn viên thanh niên huyện Chợ Gạo tìm hiểu nền văn hóa Óc Eo tại Khu di tích khảo cổ Gò Thành.

Trong khu nhà trưng bày hiện vật, đáng lưu ý trong hàng trăm hiện vật với kích thước lớn, nhỏ khác nhau, là các tượng bằng đá như: Tượng thần Vishnu (Thần Bảo vệ) còn nguyên dạng; tượng Nam thần, 2 hạt đá quý màu tím xanh và trắng, bệ thờ, mảnh đá chạm minh văn Phạn ngữ; ở đây còn có cả mô hình sinh thực khí nữ, nam riêng biệt và sự kết hợp của cả hai, thể hiện nguồn gốc phát triển, sinh tồn của nhân loại.

Tại Gò Thành, các nhà khảo cổ học còn phát hiện các di chỉ bằng vàng và đồng như: Trang sức có vòng đeo gắn hình lá cây, bông tai có đính hoa bốn cánh, hạt chuỗi hình trái xoan, hình mũi tên 5 cạnh, hình bông sen, hoa mai 6 cánh….

Đáng chú ý là bộ sưu tập 18 hiện vật vàng lá có chạm khắc hình voi, đây là bộ sưu tập hiện vật vàng lá có chạm khắc hình voi độc đáo với số lượng nhiều nhất trên bình diện hệ thống sưu tập di vật vàng của cư dân Phù Nam - văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chị Nguyễn Khắc Diệp, cán bộ thuyết minh Khu di tích khảo cổ Gò Thành cho biết: “Trước khi khai quật, nơi đây là một sân bóng đơn sơ tự tạo của xã Tân Thuận Bình. Tình cờ sau trận mưa lớn, một vài người dân đã nhặt được những mảnh vàng nhỏ và mỏng chỉ bằng một phần móng tay; đồng thời, thấy trên mặt đất thỉnh thoảng có chỗ nổi lên các vỉa gạch, những mảnh gốm màu hoặc không có màu, một vài mảnh tượng vỡ và khá nhiều viên đá cuội.

Sau các đợt khai quật, trùng tu và tôn tạo di tích, các nhà khảo cổ đã nhận thấy ở phía ruộng thấp về phía Tây và Tây Nam của gò cao là di chỉ cư trú. Ở độ sâu khoảng 1,5 - 3 m, phát hiện có nhiều gốm cổ bị vỡ, nhiều vòi bình, nhiều di cốt trâu bò, heo, xương cá; nhiều dấu vết tro, than, vỏ trái cây, lá dừa nước; cùng với vài cọc gỗ có dấu vết gia công.

Ở trung tâm gò cao là những đền tháp bằng gạch được xây dựng cạnh nhau, hiện chỉ còn phần nền. Chính giữa các đền tháp là những hố thờ dạng giếng hình vuông, với nhiều kiểu dáng khác nhau, có độ sâu từ 1,5 - 3 m.

Phía đáy hố thi thoảng có các mảnh vàng hình vuông hoặc hình tròn cắt hình cánh sen, có khắc hình các con vật, chủ yếu là hình voi, một ít tro, các thanh gỗ hình vuông cạnh khoảng 40 cm được chồng lên nhau theo hình vuông, các lớp cát vàng và các lớp đá cuội xen kẽ; nền tháp được xây dựng kiên cố với những lớp gạch có kích thước đa dạng.

Tại di tích Gò Thành, ngoài lưu giữ các di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc, thì còn một di chỉ khá đặc biệt, đó là di chỉ mộ táng. Tại Gò Thành, các nhà khảo cổ phát hiện 12 ngôi mộ, có huyệt hình giếng vuông nằm rải rác trên mặt gò. Những người Phù Nam có tục hỏa táng. Bên trên mộ được đắp bằng gạch nguyên hoặc gạch vỡ tạo thành một gò nổi rộng hơn 100 m2.

Tuy nhiên, có vài mộ không được đắp nổi như vậy. Hầu hết trong các huyệt được lấp bằng những lớp đá cuội xen lẫn với lớp cát xám, bên trên là gạch. Tại đáy huyệt có một hộc tứ giác được xây bằng gạch hoặc bằng gỗ, bên trong hộc có cát, than tro và những hiện vật bằng vàng lá mỏng.

Ngoài tượng thần Vishnu thì bộ sưu tập 18 vàng lá chạm khắc hình voi đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2021 và hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang.

BẢO TỒN, PHÁT HUY DI TÍCH ÓC EO

Từ đó đến nay, khu di tích Gò Thành đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, ngày càng khang trang hơn và nơi đây đã trở thành một trong những địa danh thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Việc nghiên cứu và nâng cao sự hiểu biết, giáo dục cho thế hệ trẻ về nền văn hóa Óc Eo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Bí thư Huyện đoàn Chợ Gạo Nguyễn Thị Kiều Phương chia sẻ: “Những hiện vật phát hiện được của nền Văn hóa Óc Eo chứa đựng ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật, góp phần làm sáng tỏ quá trình mở mang khai phá vùng đất Nam bộ của người Việt. Trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên huyện nhà sẽ tiếp tục tuyên truyền những giá trị văn hóa, lịch sử của nền văn hóa Óc Eo đến thế hệ trẻ.

Văn hóa Óc Eo là thuật ngữ khoa học để chỉ một nền văn hóa khảo cổ, hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VII hoặc có thể kéo dài đến đầu thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Mê Kông, thuộc vùng đất Nam bộ - Việt Nam ngày nay.

Đây là nền văn hóa vật chất của vương quốc Phù Nam, một nhà nước sớm ở Đông Nam Á, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực và châu Á từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nền văn hóa này có nguồn gốc bản địa, được hình thành trên nền tảng văn hóa Tiền Óc Eo ở vùng đất miền Trung và Nam bộ - Việt Nam.

Văn hóa Óc Eo được biết đến từ sau cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thực hiện vào năm 1944.

Ngày nay, việc tìm hiểu, nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo đối với thế hệ trẻ Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung là điều rất cần thiết. Điều đó, giúp cho thế hệ trẻ ý thức một cách sâu sắc bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Đồng thời, góp phần hữu ích trong việc bảo tồn, lưu giữ các hiện vật, hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử, bản sắc văn hóa khu vực, nơi mình đang sinh sống”.

Bí thư Xã đoàn Tân Thuận Bình Phan Quốc Việt cho rằng, qua tìm hiểu nền văn hóa Óc Eo tại Khu di tích khảo cổ Gò Thành cho thấy sự phong phú và độc đáo của các giá trị văn hóa, di tích và di vật của nền văn hóa Óc Eo.

Từ đó, cho phép chúng ta tự hào về sự quyết liệt, ý chí, sức sáng tạo của khối óc cũng như sự khéo léo của bàn tay, sự tinh tế về tâm hồn của bao thế hệ ông cha ta gửi gắm nơi đây. Do đó, việc giữ gìn và phổ biến một cách rộng rãi nền văn hóa Óc Eo trong đời sống cộng đồng của người dân Tiền Giang là điều rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ vững khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, bảo vệ và phát huy các tài sản văn hóa Óc Eo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Võ Văn Chiến cho biết, từ năm 2007 đến nay, di tích đã được tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, có tường rào, nhà che một số đền tháp quan trọng, nhà trưng bày các hiện vật của di tích, một ngôi chùa hiện hữu và một đình thần của địa phương được xây dựng lại trong khuôn viên.

Năm 2020 - 2021, Sở đã đầu tư gần 2 tỷ đồng tu bổ các hạng mục: Sơn lại hàng rào xung quanh, cổng di tích, nhà che khu vực khai quật, ngôi đình Thuận Hòa, hệ thống tưới nước thảm cỏ, cây xanh và các nhà vệ sinh.

Đồng thời, có giải pháp cải tạo, chỉnh trang một số hạng mục nhưng đảm bảo tính nguyên vẹn của công trình; có biện pháp xử lý rêu tại khu khai quật của di tích. Sở đã xây dựng kế hoạch và đề xuất mời các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực khảo cổ để tham vấn ý kiến tu bổ, tư vấn giải pháp và thiết kế tu bổ các hố khai quật và chống thẩm thấu toàn bộ khu vực khai quật của di tích Gò Thành.

Đưa Khu di tích khảo cổ Gò Thành từng bước trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách tìm đến để trải nghiệm và khám phá những giá trị văn hóa độc đáo.

LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/khu-di-tich-khao-co-go-thanh-noi-luu-giu-dau-tich-nen-van-hoa-co-o-nam-bo-1034066/
Zalo