Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và dòng họ Lê Hữu
Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá (Yên Mỹ) là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử về Đại danh y Lê Hữu Trác. Từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, chiêm bái.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), nguyên quán làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá (Yên Mỹ). Với sự đóng góp to lớn trong nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác được xem là Đại danh y, ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam. Ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong thế kỷ XVIII, để lại sự nghiệp đồ sộ với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong đó, bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (28 tập, chia thành 66 quyển) được coi là cuốn Bách khoa toàn thư về đông y Việt Nam, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng… Bên cạnh các công trình, tác phẩm, Lê Hữu Trác còn để lại cho hậu thế một tấm gương về nhân cách cao đẹp của người thầy thuốc hết lòng tận tụy với Nhân dân. Với những đóng góp to lớn cho nền văn hóa dân tộc và nhân loại, vào tháng 11/2023, phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ở thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Tại quê hương ông ở thôn Liêu Xá, con cháu dòng họ Lê Hữu cùng toàn thể Nhân dân đồng lòng nhất trí xây dựng Nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ban đầu quy mô nhà tưởng niệm khá nhỏ, đến năm 1992, Bộ Văn hóa – Thông tin cùng với Bộ Y tế đã đầu tư trùng tu mở rộng nhà tưởng niệm như ngày nay. Với diện tích trên 200m2 trưng bày cùng với khuôn viên rộng trên 1000m2, với nhiều di tích phụ cận xung quanh đã tạo nên một quần thể di tích rộng lớn. Nhà tưởng niệm không chỉ là nơi thờ tự, tưởng niệm ông mà còn là nơi trưng bày giới thiệu về thân thế, sự nghiệp cũng như các tác phẩm của ông. Ngày 27/12/1990, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1539 - VH/QĐ của Bộ Văn hóa – Thông tin. Năm 2006, khu di tích bị xuống cấp nên đã được UBND tỉnh Hưng Yên và Bộ Văn hóa – Thông tin trùng tu, tôn tạo quần thể di tích này, trong đó đã dỡ bỏ nhà lưu niệm để xây dựng lại thành khu đền thờ riêng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Năm 2023, huyện Yên Mỹ triển khai thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân địa phương.
Nằm trong Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngoài đền thờ Đại danh y còn có nhà thờ Đại tôn Lê Hữu thờ tự những vị làm rạng danh dòng họ; Tiến sĩ môn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật quý như: Hệ thống bia đá dựng thời Lê và nhiều câu đối đại tự của những người đỗ đạt trong dòng họ cung tiến, một số đạo sắc của các vua đời Nguyễn phong sắc cho các thành viên họ Lê Hữu đỗ đạt cao; nhà thờ Hoàng Giáp Lê Hữu Danh - ông nội Lê Hữu Trác; khu mộ tổ họ Lê Hữu... tất cả tạo thành một quần thể di tích phong phú và đa dạng.
Ông Lê Hữu Khánh, quyền trưởng tộc dòng họ Lê Hữu cho biết: Dòng họ Lê Hữu ở thôn Liêu Xá từ xưa đã được biết đến với truyền thống hiếu học, có nhiều nhà khoa bảng với 6 người đỗ đại khoa, 36 người đỗ trung khoa. Đặc biệt, tấm gương sáng về y đức, y thuật của cụ Lê Hữu Trác đã trở thành niềm tự hào của lớp lớp con cháu trong dòng họ. Hằng năm vào dịp đầu xuân, dòng họ Lê Hữu lại tổ chức họp tất cả con cháu để dâng hương, báo công những con cháu thành đạt với tổ tiên. Đây là dịp để con cháu, hậu duệ xa gần bày tỏ tấm lòng tri ân, ghi nhớ công ơn to lớn của tiên tổ và nhắc nhớ về truyền thống của dòng họ.
Với những đóng góp to lớn cho dân tộc, sau khi Lê Hữu Trác mất, hằng năm vào dịp ngày mất của ông (15 tháng Giêng), người dân địa phương lại tề tựu về khu di tích dâng hương, hoa, làm lễ tế bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức của vị danh y. Về sau, người dân tổ chức thành lễ hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Múa lân, chọi gà, cờ tướng... thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, tạo không khí sôi nổi, vui chơi trong dịp đầu xuân. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng từ đó mà hình thành, phát triển, trở thành nét văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về.
Đồng chí Nguyễn Đình Ngoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Liêu Xá cho biết: Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ giúp các thế hệ người dân tiếp nối truyền thống tri ân cội nguồn mà còn là dịp để chúng tôi được hòa vào không khí mùa xuân sôi nổi. Qua đây động viên, khích lệ mỗi người có trách nhiệm, nỗ lực học tập và lao động để xây dựng quê hương, đất nước.
Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là dịp để các thế hệ hôm nay tưởng nhớ, tri ân đối với một danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc với kiến thức uyên thâm, tận tâm, lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông là người dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo.