Không vướng Nghị định 161, Hà Nội có lý do gì mà không xét đặc cách giáo viên?

Ông Nguyễn Văn Sửu giao Sở Nội vụ tổng hợp, rà soát, tham mưu báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố vấn đề xét đặc cách giáo viên hợp đồng trước ngày 20/11/2019.

Ngày 14/11/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có công văn hỏa tốc số 10941/VP-CP về việc: Tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước.

Theo công văn này: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã nhận được văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 5 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng và đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Sở Nội vụ tổng hợp, rà soát, tham mưu báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố trước ngày 20/11/2019.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trong suốt gần 9 tháng qua, vấn đề giáo viên hợp đồng tại Hà Nội kêu cứu vì nguy cơ bị mất việc gây xôn xao dư luận xã hội.

Theo sau thành phố Hà Nội, giáo viên hợp đồng nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đồng loạt kêu cứu.

Trước thực trạng đó Bộ Chính trị đã có kết luận số 9028 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xét đặc cho giáo viên hợp đồng lâu năm.

Tuy nhiên, ngày 20/9/2019, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội chính thức ban hành thông báo kế hoạch lịch tổ chức thi, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã 2019.

Cùng với đó là thông báo kết luận của Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu: Qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số gần 3.000 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Tất cả giáo viên hợp đồng ở Hà Nội không được xét tuyển đặc cách do vướng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14, Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Công văn hỏa tốc của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (Ảnh:V.N)

Công văn hỏa tốc của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (Ảnh:V.N)

Sau thông báo này, thành phố Hà Nội vẫn tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 tại một số Quận, huyện, thị xã.

Kèm theo đó một số giáo viên hợp đồng lâu năm các huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Đông Anh…đã bị cắt hợp đồng.

Như vậy có thể thấy lý do của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội không xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng do vướng Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Cụ thể hầu hết các giáo viên hợp đồng hiện nay không công tác tại các trường công lập tự chủ tài chính.

Giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì lên Thủ đô Hà Nội (Ảnh:V.N)

Giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì lên Thủ đô Hà Nội (Ảnh:V.N)

Nhưng ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ có công văn số: 5378/BNV-CCVC gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.

Công văn nêu rõ: Để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng viên chế sự nghiệp giáo dục giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại công văn số 9028-CV/VPTU) và Thủ tướng Chính phủ (công văn số 1480/VPCP) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Rõ ràng với công văn của Bộ Nội vụ, việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng không còn bị vướng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Đây cũng là chỉ đạo của Bộ Chính trị theo kết luận số 9028 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố Hà Nội rõ ràng không còn lý do gì để không xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo các điều kiện mà công văn số: 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ quy định.

Việc Thành phố Hà Nội lấy lý do vướng Nghị định 161/2018/NĐ-CP sẽ không còn phù hợp nữa.

Bên cạnh đó sau khi có công văn số: 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ một số tỉnh, thành phố trên cả nước cũng bắt đầu xét đặc cách cho giáo viên ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015.

Có thể nói đây được coi là một thắng lợi lớn dành cho giáo viên hợp đồng trên cả nước.

Giáo viên hợp đồng Hà Nội mòn mỏi đợi 1 quyết định nhân văn từ Thành phố (Ảnh:V.N)

Giáo viên hợp đồng Hà Nội mòn mỏi đợi 1 quyết định nhân văn từ Thành phố (Ảnh:V.N)

Thế nhưng không biết tại Thành phố Hà Nội – Thủ đô của cả nước việc thực hiện theo công văn số: 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ có khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm hay không? Câu trả lời có lẽ phải qua ngày 20/11/2019 chúng ta mới biết được?

Nhưng việc xét đặc cách có kịp không khi mà ngày 17/11/2019 tới đây, một số Quận, huyện, thị xã đã bắt đầu tổ chức thi Vòng 2 kỳ thi viên chức giáo dục năm 2019.

Mặc dù vậy, giáo viên hợp đồng trên thành phố Hà Nội đều rất vui mừng trước chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ Nội vụ và đánh giá đây là quyết định rất nhân văn, hợp tình, hợp lý.

Ngoài ra số giáo viên này cũng mong mỏi thành phố Hà Nội sớm có chỉ đạo về việc tuyển dụng đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo đúng tinh thần của công văn số: 5378/BNV-CCVC.

Không vướng Nghị định 161, liệu Thành phố Hà Nội có xét đặc cách cho giáo viên (Ảnh:V.N)

Không vướng Nghị định 161, liệu Thành phố Hà Nội có xét đặc cách cho giáo viên (Ảnh:V.N)

Trong ngày 14/11/2019, một số giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì cũng đã có mặt tại Thủ đô để đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố thực hiện việc xét tuyển đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ.

Được biết, trong những giáo viên này một số giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tăng (Ba Vì) cho biết: “Trước đây việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng bị vướng Nghị định 161/2018/NĐ-CP nên Thành phố Hà Nội nói rằng không có giáo viên nào đủ điều kiện.

Nhưng theo công văn mới nhất của Bộ Nội vụ tiêu chuẩn để xét đặc cách rất rõ ràng, cụ thể và không theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Như vậy là gỡ rối cho cả Thành phố Hà Nội và cho cả giáo viên chúng tôi.

Chúng tôi rất biết ơn chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng và Bộ Nội vụ đã quan tâm đến anh em giáo viên hợp đồng trên cả nước.

Hiện giờ chúng tôi chỉ mong thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc theo công văn của Bộ Nội vụ”.

Vũ Ninh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-vuong-nghi-dinh-161-ha-noi-co-ly-do-gi-ma-khong-xet-dac-cach-giao-vien-post204414.gd
Zalo