Không tìm được tiếng nói chung, xung đột Nga-Ukraine khó chấm dứt
Mong muốn chấm dứt xung đột là mục tiêu mà cả Nga và Ukraine đều đang hướng tới, với những tuyên bố của cả 2 bên được đưa ra thời gian gần đây. Tuy nhiên, lập trường còn nhiều khác biệt giữa hai bên khiến mong muốn này không dễ gì thực hiện.
Tổng thống Ukraine hôm qua xác nhận mong muốn sớm chấm dứt xung đột ở nước này. Trong cuộc gặp Quốc vụ khanh, người đứng đầu chính phủ Vatican, Hồng y Pietro Parolin ngày 23/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt để không gây thêm thương vong.
"Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu rằng đã đến lúc chúng ta phải kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Tất nhiên là không được để có thêm nhiều người dân vô tội phải mất đi mạng sống", ông Zelensky nói.
Mong muốn sớm chấm dứt xung đột cũng đã được Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Trung Quốc hôm qua.
“Sẽ có những cuộc đàm phán phong phú và chi tiết. Một câu hỏi trung tâm của tất cả đó là hòa bình ở Ukraine. Chúng tôi sẽ nói chuyện, chúng tôi sẽ tìm kiếm các điểm liên lạc. Chúng ta cần phải tránh các điểm mâu thuẫn của các kế hoạch hòa bình. Chúng ta phải hướng tới một nền hòa bình công bằng và liên tục", ông Kuleba nói.
Không chỉ Ukraine, Nga cũng đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc xung đột. Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các điều kiện để chấm dứt giao tranh và bắt đầu đàm phán, trong đó có việc rút quân Ukraine khỏi các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, công nhận các vùng lãnh thổ này là của Nga và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo Tổng thống Putin, Nga sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán ngay lập tức, nhưng các điều kiện có thể thay đổi theo thời gian.
Điều này đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa nhấn mạnh trong cuộc họp báo sau buổi họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đây: "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán các vấn đề an ninh với Ukraine và châu Âu nói chung, từ đó giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng xét đến trải nghiệm đáng buồn trong các cuộc đàm phán và tham vấn với phương Tây và Ukraine, tôi hy vọng ở một thời điểm nào đó chúng ta sẽ đạt được một hiệp ước về an ninh châu Âu và khi đó cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ được giải quyết".
Mong muốn sớm chấm dứt xung đột là một yêu cầu cấp thiết và thực tế đối với cả Nga và Ukraine. Mặc dù cùng đưa ra tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng 2 bên đều đưa ra những điều kiện tiên quyết mang tính trở ngại khó giải quyết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nêu rõ, nếu muốn hòa đàm với Nga thì Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi những vùng mới được sáp nhập vào Nga, đồng thời phải chính thức từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Trong khi đó, theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, những điều kiện mà Nga đưa ra để chấm dứt xung đột là tối hậu thư đối với Ukraine và do đó, không thể chấp nhận được.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nếu cả 2 bên vẫn giữ lập trường quan điểm về đàm phán như từ trước đến nay thì dù là có tuyên bố bao nhiêu đi chăng nữa về mong muốn hòa bình và kế hoạch đàm phán thì hai bên cũng khó có thể tìm được tiếng nói chung.