'Không thể xa rời nghệ thuật truyền thống khi 'xây' Công nghiệp Văn hóa'

Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đánh giá Công nghiệp Văn hóa là lĩnh vực sẽ mang lại nhiều giá trị và thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Ca sỹ Tùng Dương trong liveshow cá nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ca sỹ Tùng Dương trong liveshow cá nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian gần đây, Nhà nước rất quan tâm phát triển Công nghiệp Văn hóa. Vấn đề này đã được đề cập đến tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa và Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhờ sự phong phú, đa dạng, sáng tạo và độc đáo mà Nghệ thuật Biểu diễn trở thành một trong những trọng tâm phát triển của Công nghiệp Văn hóa Việt Nam trong năm 2024.

Nhân dịp này, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về kế hoạch đưa Nghệ thuật Biểu diễn thành ngành Công nghiệp Văn hóa chủ lực.

Nghệ thuật Biểu diễn 'hồi sinh' mạnh mẽ

- Thưa Cục trưởng, bà có đánh giá như thế nào về hoạt động của ngành trong năm 2023?

Cục trưởng Trần Ly Ly: Năm qua, chúng tôi rất vui mừng vì ngành Nghệ thuật Biểu diễn “hồi sinh” mạnh mẽ sau giai đoạn COVID-19. Toàn ngành đã trở lại với một tinh thần hứng khởi, quyết tâm. Từ nỗ lực các cơ quan, đoàn thể đến chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ, chúng tôi đã có động lực để phát triển Nghệ thuật Biểu diễn nói riêng và ngành Văn hóa nói chung một cách mạnh mẽ và rộng khắp.

 Bà Trần Ly Ly nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Trần Ly Ly nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc thi quy mô toàn quốc như Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu; Cuộc thi Hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng Toàn quốc cùng các cuộc thi tài năng diễn viên xiếc, cải lương, múa rối, múa, kịch nói, chèo, tuồng và dân ca kịch.

Do tính chất đặc thù của ngành mà mỗi loại hình Nghệ thuật Biểu diễn cần phải có “sân chơi” riêng, không thể kết hợp hay chồng lấn sang các loại hình khác. Thông qua các cuộc thi này, chúng ta có thể tìm ra các tài năng trẻ. Họ là nguồn lực để phát triển ngành, để cho ra đời những tác phẩm xứng tầm với sự phát triển của đất nước.

Về thể chế, năm qua, chúng tôi đã xây dựng Thông tư 15/2013/TT-BVHTTDL về quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực Nghệ thuật Biểu diễn. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng rất sát sao trong việc xây dựng nghị định về chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động trong đơn vị nghệ thuật công lập.

Sau thời gian ngành Nghệ thuật Biểu diễn bị gián đoạn do đại dịch thì năm 2023, chúng ta cũng nhận thấy Nghị định số 144/2020/NĐ-CP phát huy hiệu quả rất rõ, đặc biệt là ở việc phân cấp, phân quyền.

 Tiết mục văn nghệ trong đêm bế mạc Cuộc thi Tài năng Diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch Toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Tiết mục văn nghệ trong đêm bế mạc Cuộc thi Tài năng Diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch Toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Nếu như trước đây, các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải liên hệ trực tiếp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin cấp phép thì sau Nghị định số 144, cấp Trung ương không phải “ôm đồm” việc cấp phép mà Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về sự kiện diễn ra trên địa bàn.

Vai trò của địa phương trong quản lý được nâng cao. Các Sở Văn hóa tỉnh thành cần phải sát sao hơn trong việc kiểm tra, đôn đốc, quản lý chất lượng các sự kiện nghệ thuật.

- Bên cạnh các đơn vị nghệ thuật công lập, bà nhận thấy hoạt động của các đơn vị nghệ thuật tư nhân trên cả nước có sự khởi sắc như thế nào?

Cục trưởng Trần Ly Ly: Ngoài 12 nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị tư nhân và cá nhân nghệ sỹ cũng có những hoạt động nghệ thuật rất chất lượng, chẳng hạn như Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa ở Hà Nội, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô (Hozo International Music Festival) ở Thành phố Hồ Chí Minh…

Mạnh dạn đầu tư cho Công nghiệp Văn hóa

- Gần đây, việc phát triển Công nghiệp Văn hóa, hướng tới mục tiêu đóng góp 7% GDP đã được bàn đến trong nhiều diễn đàn. Bà có đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành Nghệ thuật Biểu diễn trong Chiến lược Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam?

Cục trưởng Trần Ly Ly: Tôi cho rằng để phát triển Công nghiệp Văn hóa, chúng ta không thể xa rời nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật truyền thống chính là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng những tác phẩm đương đại, hướng tới tương lai. Chúng ta bảo tồn nghệ thuật truyền thống càng tốt bao nhiêu thì nghệ thuật đương đại sẽ có sự phát triển mạnh mẽ bấy nhiêu. Do đó, việc xây dựng nguồn nhân lực của nghệ thuật truyền thống là rất quan trọng.

Trong các hội nghị bàn về Công nghiệp Văn hóa gần đây, chúng tôi vui mừng vì đã được nghe ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như quan điểm, giải pháp của các chuyên gia, các ngành liên quan.

Chúng tôi tin tưởng rằng Nghệ thuật Biểu diễn sẽ là một ngành mũi nhọn của Công nghiệp Văn hóa. Bạn có thể hình dung rằng các concert âm nhạc, các show diễn thời trang… không chỉ thu hút khán giả đến sự kiện, mà còn thu hút khách du lịch.

Tôi hy vọng rằng các nhà đầu tư sẽ đánh giá chính xác về tiềm năng của ngành Nghệ thuật Biểu diễn trong “guồng quay” của Công nghiệp Văn hóa.

 Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

- Trước mắt, trong năm 2023, ngành sẽ có chiến lược phát triển cụ thể nào để có những bước tiến dài hơn trong Công nghiệp Văn hóa?

Cục trưởng Trần Ly Ly: Việc phát triển một ngành không thể tính theo từng năm mà phải có chiến lược dài hơi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng chiến lược phát triển Công nghiệp Văn hóa cũng như là các chương trình cụ thể hướng tới mục tiêu đóng góp 7% GDP, vì vậy, chúng tôi cũng sẽ từng bước đi theo kế hoạch đó.

Năm 2024, chúng tôi sẽ hoàn thiện thể chế, các nghị định, thông tư, đề án sẽ phải gấp rút hoàn thiện và đưa vào thực thi.

Theo tôi, Công nghiệp Văn hóa không phải câu chuyện của một địa phương hay một bộ ngành mà cần sự phối hợp triển khai đồng bộ của nhiều phía. Ngoài chính sách về văn hóa, chúng ta còn cần chính sách về thuế, hợp tác công tư, đầu tư…

Như tôi đã nói, cần phải xem văn hóa là một ngành để đầu tư và sẽ mang lại lợi ích tuyệt vời trong tương lai. Nhìn sang Hàn Quốc, Công nghiệp Văn hóa đã mang lại giá trị thực sự về kinh tế bởi đó là ngành Công nghiệp Xanh, tạo ra các giá trị và làm nền tảng cho các ngành khác phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khong-the-xa-roi-nghe-thuat-truyen-thong-khi-xay-cong-nghiep-van-hoa-post919204.vnp
Zalo