Không thể trì hoãn kiểm soát khí thải phương tiện giao thông

Khí thải từ phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các TP lớn ở Việt Nam, đặc biệt là những đô thị lớn như Hà Nội.

Việc gia tăng số lượng phương tiện giao thông khiến lượng khí thải tăng mạnh, làm mức độ ô nhiễm không khí tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Để giải bài toán ô nhiễm không khí, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông được coi là “chìa khóa”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chiếc “chìa khóa” này đến nay vẫn chưa thực sự được kích hoạt.

Phương tiện giao thông chiếm 70% khí thải đô thị

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường. Sự gia tăng của các phương tiện giao thông không những gây ra cảnh tắc đường mà còn thải ra môi trường một lượng khí thải vô cùng lớn. Theo các nghiên cứu, khí thải độc hại từ ô tô, xe máy bao gồm CO2, Nox và các hạt bụi mịn (PM2.5, PM10) không chỉ gây hại cho môi trường mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Hà Nội với mật độ dân số cao và số lượng phương tiện giao thông khổng lồ, đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, khoảng 70% lượng khí thải gây ô nhiễm không khí đến từ các phương tiện giao thông. Đặc biệt, các loại xe cũ, xe không đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn đang lưu thông phổ biến, góp phần không nhỏ vào vấn đề này. Sự tăng trưởng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, nhất là xe máy, đã khiến việc kiểm soát khí thải trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, nhiều phương tiện không được bảo dưỡng định kỳ, gây ra tình trạng khí thải vượt mức cho phép. Do đó, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông đang được coi là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Khí thải từ phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Phạm Hùng

Khí thải từ phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Phạm Hùng

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, nhiều chính sách nhằm kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đã được ban hành. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này còn gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, việc thiếu quy định cụ thể và rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ khiến việc kiểm soát và giám sát khí thải gặp khó khăn.

Hệ thống pháp lý hiện tại chưa đủ mạnh để xử lý triệt để vấn đề, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy, song chưa có quy định về việc kiểm soát. Hay như hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện ôtô, xe máy cá nhân. Quy định niên hạn sử dụng chỉ áp dụng cho các loại ô tô như xe tải, xe khách hay xe taxi.

Ngoài ra, xe máy là phương tiện giao thông phổ biến cho nhiều đối tượng, ngành nghề, độ tuổi và xe máy không đơn thuần là phương tiện đi lại cá nhân mà còn dùng làm phương tiện kiếm sống, kinh doanh (chở người, chở hàng...). Sự phụ thuộc vào xe máy như phương tiện di chuyển chính là một thách thức lớn trong việc cải thiện chất lượng không khí. Thói quen sử dụng và bảo dưỡng phương tiện của người dân cũng là một nguyên nhân quan trọng. Nhiều người chưa có thói quen bảo dưỡng xe định kỳ, khiến xe vận hành không hiệu quả và phát sinh lượng khí thải độc hại lớn.

Việc không kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ dẫn đến tình trạng các phương tiện giao thông thải ra lượng khí độc vượt mức cho phép. Thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến tuổi thọ của phương tiện mà còn góp phần làm gia tăng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn.

Giải pháp?

Các chuyên gia cho rằng, để kiểm soát hiệu quả khí thải phương tiện giao thông, cần có một chiến lược tổng thể, đồng bộ. Trong một trong những giải pháp trọng điểm chính là kiểm định khí thải định kỳ. Để thực hiện được điều này, trước tiên Chính phủ cần thiết lập các trạm kiểm định khí thải ở nhiều nơi, đảm bảo mọi phương tiện đều được kiểm tra định kỳ. Đặc biệt, cần chú trọng đến xe máy và ô tô cũ, những nguồn phát thải lớn nhất.

Ngoài ra, việc bổ sung các quy định xử phạt nghiêm khắc đối với các phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ giúp giảm thiểu lượng khí thải độc hại. Quy định này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo dưỡng phương tiện. Một giải pháp khác là phát triển hệ thống giao thông xanh. Đây được coi là một giải pháp bền vững để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh việc triển khai xe buýt điện, xe đạp công cộng và mở rộng hệ thống đường sắt đô thị. Những dự án này không chỉ giúp giảm lượng khí thải từ phương tiện cá nhân mà còn thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân và DN đầu tư vào các phương tiện giao thông xanh, từ đó tạo ra một mạng lưới giao thông bền vững và hiệu quả.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang là một trong những vấn đề cấp bách của TP và ở mức báo động. Trong thời gian qua, TP cũng đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí song tình trạng ô nhiễm không khí vẫn xảy ra. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới điều này là tốc độ đô thị hóa của Thủ đô đang diễn ra quá nhanh. Đô thị hóa kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông một cách nhanh chóng. “Sự gia tăng dân số cũng làm gia tăng số lượng phương tiện giao thông. Khí thải từ phương tiện giao thông được coi là nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Thủ đô” - PGS.TS Bùi Thị An phân tích.

Từ phân tích trên, chuyên gia Bùi Thị An cho rằng, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông là giải pháp cần được đẩy nhanh hơn nữa. Bởi trong số hàng triệu các phương tiện giao thông đang hoạt động có không ít xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên phát thải lượng khí độc hại cao.

Ngoài các giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng, phải đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cụ thể là nhận thức của cộng đồng về việc bảo dưỡng phương tiện định kỳ và tác hại của khí thải là yếu tố then chốt để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Khi người dân hiểu rõ tác hại của khí thải và lợi ích của việc bảo dưỡng phương tiện định kỳ, họ sẽ tự giác thực hiện và ủng hộ các biện pháp kiểm soát khí thải. Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông là một nhiệm vụ cấp thiết để giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Việc kết hợp giữa chính sách kiểm định, khuyến khích sử dụng phương tiện xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế sẽ là những giải pháp khả thi để cải thiện tình hình hiện tại. Chỉ khi mỗi cá nhân, tổ chức và chính quyền cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng một môi trường sống trong lành và bền vững.

Trước tiên chúng ta phải hạn chế những phương tiện giao thông quá cũ nát bởi những phương tiện này gây ra khí thải rất lớn. Dần dần chúng ta cũng phải bớt sử dụng các phương tiện cá nhân, chuyển sang đi phương tiện công cộng. Ngoài ra cũng tiến tới không dùng năng lượng hóa thạch nữa mà chuyển sang sử dụng năng lượng xanh.
Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng PGS.TS Bùi Thị An

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-the-tri-hoan-kiem-soat-khi-thai-phuong-tien-giao-thong.html
Zalo