Không thể để Việt Nam là 'mảnh đất màu mỡ' của trốn thuế qua tiền số

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng cần phải nghiên cứu, cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế đối với vấn đề kinh doanh đồng tiền số.

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cho biết hiện nay chúng ta đang có "mảnh đất rất màu mỡ" cho những người kinh doanh tiền số. Vì Việt Nam chưa có chính sách gì để quản lý, thu thuế. Trong khi đó, các nước xung quanh Việt Nam đã có quy định về vấn đề này.

"Hiện nay kinh doanh đồng tiền số ở Việt Nam đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Chúng ta cần phải nghiên cứu, cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế. Việc này rất khó nhưng cần phải làm, phải có thái độ trả lời là đồng ý hay không đồng ý cho kinh doanh tiền số. Nếu không Việt Nam sẽ là nơi trốn thuế của các nhà đầu tư tiền số nước ngoài", đại biểu đoàn Thái Bình cho biết.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình (Ảnh: Media Quốc hội).

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải chịu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua chúng ta đã thu được thuế từ sàn thương mại điện tử, mua bán online… của các doanh nghiệp đặt trụ sở tại nước ngoài.

Về nền tảng số, ông Phớc cho hay ngành tài chính luôn đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và vẫn đang đẩy mạnh việc này.

"Tuần vừa rồi chúng tôi đã ra mắt robot ảo phục vụ cho người nộp thuế. Có nghĩa là người nộp thuế hỏi bất cứ câu hỏi nào về mức nộp thuế, các bước nộp thuế, hoàn thuế, thời gian chậm nộp thế nào… đều được trả lời, rất thuận lợi cho người nộp thuế", Phó Thủ tướng cho biết.

Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở mức thấp

Góp ý về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho biết dự thảo luật vẫn giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20%.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung thêm nội dung riêng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng thì mức thuế suất là 15% và doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì thuế suất là 17%.

"Mức thuế thu nhập nhìn chung có ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng mức thuế suất chung là 20% vẫn cao", đại biểu Lệ đánh giá.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, đoàn Tp.HCM (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, đoàn Tp.HCM (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo bà Lệ, khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam 20% bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, tại Lào, Campuchia nhưng lại cao hơn so với Singapore là 17% và Brunei là 18,5%.

"Để có thể khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, nên cân nhắc giảm thêm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19% để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển phục hồi sau giai đoạn hậu dịch Covid-19", đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh đề xuất.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Media Quốc hội).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Media Quốc hội).

Giải trình, làm rõ vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, "thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với các nước Đông Nam Á".

Dẫn chứng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp tại Philipphines là 30%, Malaysia 24% và một số nước khác trong khu vực 25%. Ông Phớc cho rằng, không thể so sánh thuế của Việt Nam với Singapore khi quốc gia này có mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 90.000 USD/năm, tức gấp hơn 20 lần Việt Nam (gần 4.300 USD tính tới cuối năm ngoái).

"Mọi khoản thu nhập phải chịu thuế, kể cả sản xuất kinh doanh và thu nhập khác. Điều này nhằm đảm bảo thu thuế công bằng, hợp lý cho phát triển. Còn lĩnh vực ưu tiên cần hỗ trợ ngân sách cũng phải giám sát, tránh mở ra nhiều, mất kiểm soát", Phó Thủ tướng cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, xu thế của thế giới hiện nay là đang thắt chặt chính sách tài khóa, tức là tăng thuế suất lên để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công. Tuy nhiên, đối với đất nước chúng ta mới trải qua đại dịch, chúng ta rất ủng hộ doanh nghiệp và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, chúng ta vẫn thực hiện chính sách tài khóa mở rộng.

"Chúng ta làm thuế có nghĩa là làm thế nào để đảm bảo sự công bằng, hợp lý để phát triển, còn những lĩnh vực ưu tiên phát triển cần phải hỗ trợ từ ngân sách thì phải giám sát có hiệu quả, tránh chuyện mở ra mà mất kiểm soát", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-the-de-viet-nam-la-manh-dat-mau-mo-cua-tron-thue-qua-tien-so-204241128143904656.htm
Zalo