Không thể để quyền lực bị tha hóa

Trong đời sống thường nhật, không ít người dân từ nông thôn đến thành thị đều có thể cảm nhận một điều: Có những cán bộ lúc mới nhậm chức thì chân chất, giản dị, nhưng chỉ sau vài năm, thậm chí vài tháng đã trở nên khó gần, có biểu hiện 'hành' dân.

Bác họ chúng tôi, một người nông dân (xin được giấu tên) nói về cán bộ có biểu hiện rất "lệch chuẩn" ở địa phương như sau: "Lúc chưa làm cán bộ cấp cao thì ông ấy còn chào hỏi bà con, có gì dân nhờ là giúp đỡ. Giờ có chức, có quyền, thái độ khinh khỉnh, rất coi thường bà con, nói chuyện luôn có thiên hướng ra lệnh, miệng sặc mùi quyền lực, dân không còn yêu quý nữa".

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Trong lý luận chính trị, hiện tượng trên là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực-khi người có chức, có quyền không còn phục vụ lợi ích chung mà quay sang phục vụ cho bản thân hoặc nhóm lợi ích riêng... Đây không chỉ là biểu hiện lệch lạc về đạo đức mà còn là mối nguy chính trị, vì nó làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương và làm rạn nứt hệ thống chính trị.

Từ góc độ lý luận Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần nhấn mạnh: Vì cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu... Khi cá nhân đặt quyền lợi riêng lên trên lợi ích tập thể, khi chức vụ trở thành công cụ để vun vén cá nhân, khi tiếng nói phản biện bị quy chụp... thì quyền lực ấy đã không còn chính danh, đó là quyền lực bị tha hóa.

Không chỉ xảy ra ở những cán bộ cấp cao, tha hóa quyền lực có thể diễn ra ngay từ cán bộ cấp cơ sở, nơi sát dân nhất. Một cán bộ xã “xin đất cho họ hàng”, một trưởng phòng “chạy quy hoạch cho con cháu”, một giám đốc sở “ưu ái doanh nghiệp thân quen”... đều là biểu hiện cụ thể về tha hóa quyền lực. Dân biết, dân bức xúc, nhưng không phải lúc nào cũng dám nói và chưa có điều kiện thuận lợi để nói. Đảng ta không bao giờ bao che cho những hành vi đó. Trong các nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã xử lý kỷ luật rất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, trong số đó có nhiều cán bộ đã tha hóa quyền lực. Tất cả những tín hiệu đã, đang và sẽ diễn ra trong công tác quản lý, rèn luyện và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên cho thấy, Đảng luôn kiên quyết chống tha hóa quyền lực, không khoan nhượng với sai phạm.

Trong thời kỳ đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện chuyển đổi số toàn diện, vai trò của cán bộ không chỉ là “công bộc của dân” mà còn là “kiến trúc sư đổi mới” của hệ thống chính trị. Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Phải xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trung thành, liêm chính, tận tụy, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của Đảng, của nhân dân và đất nước”. Muốn chống tha hóa quyền lực phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Phải đặt quyền lực trong "lồng cơ chế".

Phải kiểm soát quyền lực bằng luật pháp, quy chế, quy trình và sự giám sát của nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, cần siết chặt việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng, phát hiện các biểu hiện tha hóa quyền lực từ khi mới manh nha, không để "vi phạm nhỏ tích tụ lâu ngày thành khuyết điểm, sai phạm lớn". Điều đặc biệt quan trọng là cần xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự có đức, có tài, được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ, thay vì đặt nặng mối quan hệ quen biết, thân hữu.

Tha hóa quyền lực là mối nguy hại rất lớn đến sự tồn vong của chế độ. Không thể chậm trễ hơn nữa, toàn Đảng, toàn dân phải kiên quyết chống các biểu hiện của tha hóa quyền lực. Để quyền lực thật sự là công cụ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng thì người cán bộ phải trong sạch, hệ thống phải minh bạch, nhân dân phải phát huy đầy đủ quyền giám sát. Có như vậy, Đảng ta mới xứng đáng với vai trò là lực lượng lãnh đạo duy nhất, đưa dân tộc Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên phát triển mới.

NGUYỄN HỮU HỒI - TRẦN VIẾT SUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/khong-the-de-quyen-luc-bi-tha-hoa-825729
Zalo