Không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề kiểm tra môn Ngữ văn có làm khó 'người trong cuộc'?
Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 nêu rõ: 'Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa (SGK) để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn'. Quy định này đòi hỏi giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, học sinh phải linh hoạt vận dụng kiến thức vào bài thi.
Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 nêu rõ: “Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa (SGK) để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”. Quy định này đòi hỏi giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, học sinh phải linh hoạt vận dụng kiến thức vào bài thi.
Thực hiện quy định mới của Bộ GD&ĐT, Trường THPT Hậu Lộc 1 (Hậu Lộc) đã xây dựng kế hoạch dựa trên kế hoạch tổng thể của chương trình mới. Đồng thời yêu cầu giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá đối với môn Ngữ văn. Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Lộc 1 Phạm Hùng Bích, cho biết: Quy định không lấy ngữ liệu trong SGK làm đề kiểm tra, đánh giá đã được nhà trường thực hiện nghiêm túc thông qua việc yêu cầu tổ chuyên môn phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tối đa năng lực tư duy của người học. Từ đó giúp học sinh có phương pháp, kỹ năng và tự tin giải quyết các vấn đề mà đề thi yêu cầu.
Là giáo viên với 26 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn, cô Đỗ Thị Thúy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Hậu Lộc 1 chia sẻ: "Quy định đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn phải sử dụng ngữ liệu ngoài SGK theo tôi là một trong những điểm đổi mới tích cực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, quy định mới đòi hỏi học sinh chủ động trong quá trình học tập, chiếm lĩnh kiến thức, giáo viên phải đầu tư soạn giảng chứ không thể dạy và học kiểu “mô típ” như trước nữa. Việc đổi mới cũng giúp giáo viên và học sinh được khám phá thế giới văn học rộng lớn mà không chỉ bó hẹp ở những văn bản trong SGK, giúp đánh thức tư duy và khả năng sáng tạo của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, thay đổi mới này sẽ khiến tất cả bỡ ngỡ bởi lâu nay các em học sinh đang quen với phương pháp học cũ và thi cũ. Giáo viên cũng sẽ vất vả hơn trong quá trình chuẩn bị bài cũng như giảng dạy trên lớp. Đòi hỏi cả cô và trò phải vươn rộng hơn ở nhiều phạm vi".
Tuy nhiên, theo cô giáo Đỗ Thị Thúy, việc đổi mới là cần thiết. Bản thân cô Thúy hiện đang sử dụng phương pháp: Trang bị thật kỹ cho học sinh kiến thức nền là đặc trưng của mỗi thể loại văn học và kỹ năng làm bài. Sau đó từ văn bản tiêu biểu trong SGK, yêu cầu học sinh áp dụng vào cảm nhận, phân tích một số văn bản cùng dạng.
Cũng theo cô Thúy, mặc dù là văn bản mới, nhưng đều tuân theo một “quỹ đạo” của đặc trưng thể loại. Ví dụ như đối với truyện thì đặc trưng lớn của truyện vẫn là cốt truyện, nhân vật, lời kể, điểm nhìn... Trong khi đó, đặc trưng của thơ lại là từ ngữ, hình ảnh, cảm xúc, cấu tứ... Khi nắm bắt được đặc trưng thể loại và kỹ năng làm bài học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận đối với những văn bản khác cùng thể loại và tự khám phá văn bản mới trên cơ sở kiến thức nền đã có.
“Chương trình mới có nhiều bỡ ngỡ, nhưng cũng có rất nhiều cái hay. Không chỉ giúp học sinh thoát khỏi văn bản mẫu, thoát khỏi cả định hướng của giáo viên mà có những góc nhìn mới hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng rất phát hiện, để từ đó cô, trò cùng học hỏi lẫn nhau” - cô Đỗ Thị Thúy chia sẻ thêm.
Tại Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa), thầy Nguyễn Văn Chế, phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tổ Ngữ văn của nhà trường hiện có 10 giáo viên và giao cho 1 phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Để đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, nhà trường và tổ chuyên môn đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho công tác dạy, học. Chỉ đạo giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh, tích cực tìm tòi, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học...
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy. Trong khi nhiều giáo viên tích cực đổi mới, sáng tạo thì vẫn còn những giáo viên có tâm lý e dè, ngại đổi mới, chưa thực sự đầu tư tâm sức, nỗ lực; vẫn còn tình trạng giáo viên lựa chọn những văn bản có nội dung chưa phù hợp để đưa vào đề kiểm tra, đánh giá...
Tại Trường THCS Thiệu Đô (Thiệu Hóa), việc thực hiện sử dụng ngữ liệu ngoài SGK để ra đề kiểm tra định kỳ đã được nhà trường tập trung thực hiện tốt. Cô giáo Phạm Thị Lan, Tổ phó Tổ Xã hội, Trường THCS Thiệu Đô chia sẻ: Để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi lớp 10, Tổ Xã hội đã tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề theo yêu cầu mới để học sinh quen với chương trình mới, cách thức kiểm tra, đánh giá mới. Ngoài ra, ngay từ những lớp đầu cấp, nhà trường chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp, kỹ năng làm bài, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh...
Trước yêu cầu đổi mới việc dạy và học môn Ngữ văn hiện nay, điều cần thiết và quan trọng nhất là giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học, xác định rõ mục tiêu dạy học môn Ngữ văn, cung cấp kỹ năng cho học sinh, chú trọng chọn lựa văn bản ngoài SGK phù hợp khi ra đề kiểm tra. Đối với học sinh, cần hướng các em tới thói quen đọc mở rộng, xây dựng văn hóa đọc...
Để đảm bảo có “tiêu chí” đánh giá chung trong việc ra đề kiểm tra, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ..., giáo viên cũng mong muốn Bộ GD&ĐT có kế hoạch tập huấn, định hướng rõ ràng cho các nhà trường, giáo viên để đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu, mục tiêu của chương trình mới.