Không quản hiểm nguy, vượt qua gian khổ để giúp đỡ nhân dân
Những ngày qua, mưa lớn kéo dài tại một số tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 đã tạo lũ ống, lũ quét, gây ngập lụt, làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nhất là ở hai tỉnh Điện Biên, Sơn La.
Thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, gần 10 ngày qua, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ LLVT cùng hàng nghìn phương tiện, máy móc đã được huy động giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Gùi lương thực lên núi, dựng lán tạm cho dân
Sau nhiều ngày mưa tầm tã, nước úng nhấn chìm các bản làng, biến những mái nhà thành những "điểm nổi" cao nhất. Nhiều vạt đồi ngấm nước khiến hàng vạn mét khối đất sạt vùi kín những con đường, chặn đứng đường đi lại của người dân. Bị cô lập, chỉ sau vài ngày, nhiều nhà, nhiều bản thiếu lương thực đã đành, giữa mênh mông nước lại thiếu cả nước sạch sinh hoạt cho dân. Mưa tạnh, nắng gay gắt quay trở lại bao trùm khắp vùng lũ Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) khiến không khí nồng quánh, rất khó chịu. Đường dẫn đến các bản còn ngập đầy bùn đất nên công tác tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả thiên tai vô cùng khó khăn. Vượt nguy hiểm rình rập sau đồi nhão, núi ủng; vượt lên gian khổ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 cùng Bộ đội Biên phòng các tỉnh vẫn sát cánh với đồng bào vùng lũ, tranh thủ từng giờ, từng phút giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Đến thời điểm này, để vào được điểm dân cư Huổi Ké, thuộc bản Lĩnh, xã Mường Pồn, các lực lượng chỉ có thể đi bộ. Quãng đường gần 10km từ trung tâm xã vào đây phần lớn là bùn lầy, trơn trượt. Chính vì thế, Trung tá Bùi Văn Luận, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Điện Biên phải kiểm tra tỉ mỉ, nhắc cán bộ, chiến sĩ gói buộc chắc chắn hàng hóa thiết yếu trước khi bộ đội và dân quân gùi vào hỗ trợ người dân Huổi Ké.
Suốt quãng đường hành quân, Trung tá Bùi Văn Luận quan sát, hướng dẫn các chiến sĩ bám sát đội hình, cẩn trọng vượt qua các đoạn đường lầy, dốc đứng, trơn trượt, không để xảy ra mất an toàn, ảnh hưởng đến nhiệm vụ tiếp tế cho nhân dân vùng lũ. "Trong hoàn cảnh khó khăn này, mỗi cân gạo, thùng mì tôm hay bộ quần áo đều rất quý với người dân vùng lũ. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn tự nhủ, phải giữ gìn cẩn thận, vận chuyển kịp thời, trao đến tận tay người dân vùng lũ.
Mặc dù đã luống tuổi nhưng bước chân của Thượng tá Lý Công Hồng, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên vẫn phăm phăm vượt dốc, dẫn đầu đội hình hành quân. Anh là một trong những người đầu tiên lội bộ vào Huổi Ké, điểm dân cư cao nhất xã Mường Pồn ngay sau khi xảy ra trận lũ lịch sử để chỉ huy cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Điện Biên phối hợp với Bộ đội Biên phòng mở đường vào Huổi Ké, tích cực tìm kiếm người mất tích, kịp thời dựng lán tạm cho người dân bị mất nhà cửa.
Thượng tá Lý Công Hồng chia sẻ: "Huổi Ké có 17 hộ dân thì 7 hộ bị thiệt hại nặng, trong đó có một gia đình bị mất hai người thân do sạt lở đất. 10 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đã được bộ đội, dân quân, công an hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn; hằng ngày được cung cấp lương thực, nước uống, chờ bố trí nơi ở mới theo chủ trương của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Điện Biên chịu ảnh hưởng của 26 đợt thiên tai. Hậu quả làm 9 người chết, 4 người mất tích, 12 người bị thương; 1.365 ngôi nhà bị hư hỏng, với tổng thiệt hại hơn 256 tỷ đồng. Tính đến ngày 5-8, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đã tham mưu với địa phương huy động hơn 5.400 lượt người, 406 phương tiện các loại tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ; phối hợp cùng lực lượng chức năng di dời 225 nhà dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Trong những ngày này, Bộ CHQS tỉnh tập trung tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên huy động tối đa nguồn lực tìm kiếm người mất tích; hỗ trợ di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; sắp xếp, bố trí nơi ở mới cho người dân bị mất nhà cửa, tài sản.
Để đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác cảnh báo, dự báo; rà soát, chuẩn bị kịch bản, phương án đối phó với các loại thiên tai; bảo đảm an toàn hồ đập mùa mưa lũ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân và các lực lượng chức năng trong phòng, chống thiên tai.
Bảo đảm an toàn cho nhân dân sau mưa lũ
Những ngày xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, ngập úng trên địa bàn tỉnh Sơn La vừa qua, chúng tôi có dịp đồng hành với cán bộ, chiến sĩ LLVT của tỉnh hành quân đến những nơi khó khăn, phức tạp nhất vùng tâm lũ các huyện Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu và TP Sơn La. Hình ảnh bộ đội, dân quân dầm mình trong lũ cứu dân đã làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Sự có mặt kịp thời của các anh trong cơn hoạn nạn đã làm điểm tựa cho nhân dân vùng lũ. Không chỉ bảo đảm an toàn, tìm kiếm cứu nạn, di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn, cán bộ, chiến sĩ còn tiếp tế đồ ăn, thức uống, giúp đồng bào vượt qua cơn nguy khó.
Hình ảnh đồng chí Quàng Văn Dương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Mường Bú và đồng chí Quàng Văn Thành, Bản đội trưởng bản Giàn, xã Mường Bú, huyện Mường La, đã mưu trí sử dụng dây thừng, săm ô tô, nhiều lần dũng cảm bơi ra giữa dòng nước xoáy cứu được nhiều người là những minh chứng sống động cho lòng quả cảm, đức hy sinh của các chiến sĩ Quân đội. Cùng với đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Sơn La đã thức trắng nhiều đêm bám theo dòng lũ di dời hàng trăm người đến nơi an toàn. Hay cuộc hành quân hàng chục cây số đường rừng của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Sơn La vào bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn để cứu tính mạng và giải cơn đói khát của đồng bào sau những ngày chống chọi với mưa lũ...
“Không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, mỗi khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, cán bộ, chiến sĩ LLVT luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Các anh luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương”, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định với chúng tôi.
Báo cáo của tỉnh Sơn La cho thấy, tháng 7 vừa qua, tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng của 3 đợt mưa lớn, gây lũ quét, sạt lở đất, làm 12 người chết, 8 người bị thương; hơn 2.600 nhà dân cùng nhiều công trình công cộng hư hỏng, ước tính thiệt hại hơn 500 tỷ đồng. Theo Đại tá Chu Văn Thành, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La, ngay khi thiên tai xảy ra, Bộ CHQS tỉnh kịp thời tham mưu với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh khẩn trương chỉ đạo các huyện, thành phố phát huy phương châm “4 tại chỗ”, phân công thành viên Ban chỉ huy từ huyện đến xã trực tiếp tới hiện trường chỉ đạo sơ tán nhân dân đến nơi an toàn và bảo vệ các công trình, tài sản.
Đặc biệt, các đơn vị Quân đội luôn có phương án và ứng cứu kịp thời những điểm bị cô lập, tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích; chỉ đạo triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho nhân dân. Tính đến ngày 5-8, Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương di dời 683 hộ tại TP Sơn La và các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên, Vân Hồ đến nơi an toàn; giúp gần 1.000 hộ dân khắc phục hậu quả ngập úng... Hành động, việc làm của cán bộ, chiến sĩ đã làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Trong hai ngày 4 và 5-8, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và Phó thủ tướng Lê Thành Long đã đến động viên, tặng quà người dân vùng lũ các tỉnh Điện Biên, Sơn La; chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Trước thiệt hại do mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Sơn La và Điện Biên mỗi tỉnh 10 tỷ đồng.