Không phân loại rác sẽ bị phạt: Chung cư chỉ có một họng rác, phân loại kiểu gì?
Tôi hết sức vui mừng khi biết phân loại rác là bắt buộc, không làm sẽ bị phạt, nhưng cũng hoang mang vì ở chung cư chỉ có mỗi một họng rác, phân loại thế nào đây?
Từ 1/1/2025, quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt bắt đầu có hiệu lực. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và phát triển bền vững. Tôi là người rất quan tâm đến môi trường nên vui mừng hết sức khi tiếp nhận thông tin này. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, tôi thực sự ngơ ngác.
Quy định nêu: "Hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng". Nhưng với tình hình hiện tại, có vẻ muốn thực hiện đúng luật không dễ dàng gì.
Căn hộ chung cư của tôi ở trung tâm TP.HCM. Như hầu hết các chung cư khác, tòa nhà của chúng tôi cũng tập kết rác thải qua đường ống (họng rác). Mỗi tầng có một phòng rác, phòng này có ô cửa nhỏ trổ vào đường ống để chuyển rác xuống bãi tập kết lớn ở tầng hầm. Họng rác là nơi duy nhất để cư dân tống mọi loại rác sinh hoạt vào, trừ những món đồ kích thước cồng kềnh hoặc thứ quá nặng như gạch đá.
Khi mới chuyển tới sống ở đây, tôi từng chủ động phân loại rác. Tôi chỉ cho vào họng rác các chất thải phân hủy như thức ăn thừa, rau củ quả... Các chất thải có thể tái chế như túi nylon hay hộp đựng thức ăn được để riêng một góc ở phòng rác, mong sẽ có người thu dọn.
Thế nhưng, ngay sau đó tôi bị nhắc nhở trong nhóm Zalo của cư dân: "Cư dân mới lưu ý, tất cả rác phải bỏ vào họng rác, không được để bên ngoài. Phòng rác chỉ được để thủy tinh vỡ hoặc chai lọ cỡ lớn". Từ đó, tôi "nhắm mắt" làm theo.
Oái ăm hơn là trường hợp của ba mẹ tôi. Họ ở nhà phố, đều là viên chức về hưu và rất có trách nhiệm với môi trường. Trước đây, trong vài lần nghe thành phố phát động phong trào bảo vệ môi trường bằng việc phân chia rác thải, ba mẹ tôi lập tức hưởng ứng. Họ lập tức mua thêm hai thùng rác, bắt đầu hình thành thói quen phân loại rác thành 3 loại: Rác tái chế, rác sinh hoạt hàng ngày và rác thải nguy hại.
Thế nhưng, tinh thần hưởng ứng mới nhen lên chưa bao lâu đã bị dập tắt ngúm. Mẹ tôi thở dài: "Chán lắm, ba với mẹ phân loại rõ ràng, nhưng nhân viên thu gom lại trộn thành một. Mà cũng đúng, họ có một cái xe duy nhất thì phân chia kiểu gì?".
Quay trở lại với quy định mới có hiệu lực từ 1/1, tôi và ba mẹ đang thật sự hoang mang, không biết sẽ phân loại rác như thế nào để không bị phạt. Giả sử tôi tuân thủ quy định, chủ động phân chia rác theo từng loại thì sau đó sẽ ra sao khi họng rác vẫn chỉ có một? Còn ba mẹ tôi, sau khi phân loại rác, ai sẽ giữ nguyên chúng đến điểm tập kết mà không trộn lẫn với nhau?
Chưa kể đến, ai sẽ giám sát việc thực hiện của từng hộ gia đình để phạt và phạt thế nào? Rõ ràng là đến thời hạn áp dụng luật mới nhưng cơ sở để thực hiện nó trong thực tiễn lại chưa đủ.
Tại sao trước đó không tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như xe thu gom rác theo từng loại, lắp đặt thêm thùng rác đúng chuẩn ở các khu dân cư? Nếu điều này không được thực hiện thì việc phân loại ngay từ đầu của người dân trở thành vô nghĩa, bởi dân cứ phân loại, cuối cùng rác vẫn cứ bị trút vào một chỗ trong quá trình thu gom và vận chuyển.
Chưa kể, nhiều người dân thậm chí còn chưa biết cách phân loại rác. Tại sao ở từng khu phố, chính quyền không mở các buổi hướng dẫn cho người dân về nội dung này?
Quy định phân loại rác yêu cầu sự phối hợp giữa chính quyền, các công ty thu gom rác và người dân. Song thực tế, các công ty thu gom rác thì thiếu trang thiết bị và nhân sự thực hiện, còn chính quyền địa phương lại chưa chuẩn bị đủ cơ sở hạ tầng và chiến lược giám sát. Điều này dẫn đến tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khi mà các bên không thực sự hợp tác chặt chẽ, không đồng bộ với nhau. Quy định phân loại rác vì thế trở nên khó thực hiện, khó tránh khỏi tình trạng bị "vô hiệu hóa" khi đi vào cuộc sống.
Phân loại rác là điều các nước phương Tây đã làm từ lâu. Ở châu Á, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều nơi khác cũng thực hiện rất tốt. Trong từng hộ gia đình, rác được phân loại và cho vào 3 túi có 3 màu khác nhau rất dễ phân biệt, cuối ngày chỉ cần để đúng nơi tập kết là nhân viên thu gom sẽ phân chia vào xe rác phù hợp.
Chỉ khi nào có một giải pháp toàn diện, đồng bộ như vậy thì việc giám sát và phạt người vi phạm quy định phân loại rác mới khả thi.