Không phải khí đốt, Đức cần nhập năng lượng nào của Canada?

Đức sẽ tìm đến Canada cho các mặt hàng hydro xanh, nhưng không nhắm đến khí đốt tự nhiên, vì nước này đang tiếp tục chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch, đặc phái viên về khí hậu của nước này trả lời giới truyền thông Canada vào cuối tuần trước.

Một tàu LNG ở cảng. Ảnh Shell

Một tàu LNG ở cảng. Ảnh Shell

“Tất cả các nghiên cứu đều cho thấy thị trường sẽ thu hẹp lại”, Jennifer Morgan, thư ký nhà nước đầu tiên của Đức và là đặc phái viên về hành động khí hậu quốc tế, cho biết cuối tuần trước. “Đức sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo và nhu cầu khí đốt sẽ giảm”.

Đầu tháng này, các nhà phân tích tại Rystad Energy có trụ sở tại Oslo đã báo cáo rằng Đức đang trên đà vượt mục tiêu sản xuất 80% điện từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Công suất năng lượng tái tạo của nước này đạt 170 gigawatt vào năm 2023, tăng 12% chỉ trong một năm, bao gồm 81,7 GW năng lượng mặt trời và 60,9 GW năng lượng gió, theo bản tin về ngành công nghiệp nhiên liệu Rigzone.

“Ngành điện của Đức là một nghiên cứu điển hình hấp dẫn về quá trình khử cacbon và điện khí hóa lưới điện toàn cầu”, Fabian Ronningen, phó Chủ tịch nghiên cứu năng lượng tái tạo và điện của Rystad cho biết. “Mặc dù có một số khó khăn trong ngắn hạn, nhưng những lợi ích dài hạn dường như đã được đảm bảo. Nếu các nhà hoạch định chính sách bám sát các mục tiêu và chiến lược hiện tại của mình, Đức có thể sẽ tiếp tục thống trị bối cảnh năng lượng tái tạo của châu Âu và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu trong tương lai gần”.

Ngày 20/9, bà Morgan, cựu Giám đốc điều hành của Greenpeace International và Giám đốc khí hậu toàn cầu của Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết Đức coi khí đốt tự nhiên là "một phần của quá trình chuyển đổi, nhưng không phải là dài hạn". Bà trích dẫn các dự báo cho thấy nền kinh tế hàng đầu châu Âu sẽ cắt giảm 30% lượng khí đốt nhập khẩu vào năm 2030 và 96% vào năm 2050.

CBC viết: "Khi được hỏi liệu Đức có cần khí đốt tự nhiên của Canada để bổ sung kho dự trữ hay không, bà Morgan cho biết đất nước của bà ngày càng phụ thuộc vào năng lượng tái tạo".

Cách đây 2 năm rưỡi, chỉ vài tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đại sứ quán Đức cũng đã đưa ra thông điệp tương tự như trên, khi Chính phủ Trudeau đang thảo luận về triển vọng của một dự án xuất khẩu khí đốt từ chân đồi Alberta vốn đã được đề xuất rồi lại rút lại.

Khi Thủ tướng Olaf Scholz đến thăm Canada ba tháng sau đó, những thông báo quan trọng đều tập trung vào hydro xanh, và cả từ “hóa lỏng” lẫn từ viết tắt “LNG” đều không xuất hiện trong các tuyên bố chính thức.

Bà Morgan cho biết toàn bộ châu Âu dự kiến sẽ giảm lượng khí đốt nhập khẩu khoảng 25% trong thập kỷ này.

“Sự suy yếu nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu phần lớn có thể là do cuộc xung đột của Nga với Ukraine”, CBC viết. “Nga từng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng cho châu Âu; nhưng nước này bị cáo buộc đã hạn chế nguồn cung khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt cứng rắn do Đức và các đồng minh phương Tây khác áp đặt”.

Yến Anh

The energy mix

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/khong-phai-khi-dot-duc-can-nhap-nang-luong-nao-cua-canada-718025.html
Zalo