Không phải cứ nhịn, rồi sẽ lành
Tôi thường bất bình thái quá trước hành vi vô pháp của những kẻ ngông cuồng trên đường.
Có lần đi về đúng giờ tan tầm, khi mà chiều ngược lại chật cứng xe, nhiều người kiên nhẫn chờ, thì có những lái xe cố tình lấn sang làn ngược chiều để hy vọng đi nhanh hơn. Những chiếc xe như thế chẳng giải quyết được gì cả vì khoảng trống ở chiều ngược lại chỉ tạm thời. Tài xế lấn đường chất thêm gánh nặng lưu thông cho con đường, mà nếu như cứ kiên nhẫn chờ đợi, điểm tắc có lẽ sớm được giải quyết.
Nhiều người có lẽ cũng bực mình nhưng lại biết kiềm chế. Họ luôn nghĩ những người như thế trước tiên là không tôn trọng văn hóa, pháp luật. Mà rất có thể trong số đó biết đâu lại có những kẻ bất chấp.
Mới đây thôi, khi mà xe của tôi đang lưu thông trên làn đường của mình, thì một xe ô tô tách ra khỏi dòng xe phía ngược chiều đối đầu xe tôi để hy vọng sớm thoát ra khỏi khu vực ngã tư. Tôi cũng chẳng phải kẻ vừa. Bởi tôi cho rằng, khi tham gia giao thông trên đường, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, văn hóa giao thông, thì lái xe cũng cần phải tác động, lan tỏa tinh thần đó đến cộng đồng tham gia giao thông. Tôi kiên quyết không nhường đường cốt để lái xe phía ngược chiều nhớ rằng mình phải có nghĩa vụ trở lại đúng vị trí của làn xe.
Tôi làm việc ấy vì tin rằng ở ngã tư này có camera an ninh, tôi sẽ được bảo vệ. Nhưng khi còn chưa huy động đến yếu tố này, thì tôi đã phải thay đổi suy nghĩ. Lái xe phía ngược chiều dí thẳng xe vào đầu xe tôi, hạ cửa kính ra hiệu không được, lập tức mở cửa bước xuống xe gây áp lực bằng tác động vật lý. Tôi chợt nghĩ đến câu mà ông bà vẫn nói: “Một điều nhịn, chín điều lành” và hít sâu, chấp nhận sự thất bại của mình trong vai trò một công dân mong muốn góp sức giữ sự ổn định trật tự giao thông cho thành phố.
Tôi giữ sự ấm ức ấy cho đến mấy ngày sau xem báo thấy một video thanh niên đi đường ở thành phố Hồ Chí Minh đánh dã man người cùng tham gia giao thông bởi không chịu nhường đường. Tôi thở phào hú vía.
Mấy ngày sau nghe tin thanh niên hổ báo ấy bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố. Tôi thấy nhẹ đi phần nào, vì pháp luật và công lý đã rất kịp thời. Nhưng những điều như thế nếu không được camera hành trình của phương tiện tham gia giao thông trên đường ghi lại, thì liệu người tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông trên đường có được bảo vệ trước sự tấn công của những kẻ bất chấp hay không? Vì thế, tôi cho rằng tâm lý rất nhiều người sẽ luôn nghĩ “một điều nhịn, chín điều lành” bởi “chờ được vạ thì má đã sưng”, để đồng lõa với cái sai trên đường.
Đúng là trước sự xung đột, việc nhường nhịn, thậm chí chịu lép vế, sẽ cứu vãn được những tình thế nguy hiểm có thể xảy ra. Từ xưa ông bà đã đúc kết ra những điều rất thực tế, thành chân lý. Nhưng tôi vẫn không cam lòng chút nào nếu cứ nhẫn nhịn khi tham gia giao thông trên đường. Khi người tham gia giao thông chân chính thủ tiêu đấu tranh, không có phản kháng trước sự ngang ngược của số ít kẻ tham gia giao thông, thì bức tranh giao thông này còn đi tới đâu nữa.
Nhưng kẻ ngông cuồng trên đường nếu không bị ngăn chặn, rồi sẽ được đà lấn sang việc khác, làm điều vô pháp ở nơi khác.
“Một điều nhịn, chín điều lành”, rồi sao nữa nếu như chúng ta cứ mãi im lặng, chấp nhận những kẻ hổ báo trên đường?