Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá, sáng tạo để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Trên nền tảng chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học phát triển vững chắc, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng.

Lãnh đạo Sở GD và ĐT cùng với nhà tài trợ tặng giấy khen, phần thưởng cho học sinh tại Lễ Tuyên dương thành tích học sinh giỏi tỉnh năm học 2023-2024.

Lãnh đạo Sở GD và ĐT cùng với nhà tài trợ tặng giấy khen, phần thưởng cho học sinh tại Lễ Tuyên dương thành tích học sinh giỏi tỉnh năm học 2023-2024.

Sáng tạo, linh hoạt
trong triển khai thực hiện nhiệm vụ

Để tạo phong trào học tập sôi nổi ở các cấp học và ở các lĩnh vực, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; triển khai thực hiện các mô hình giáo dục mới, phương pháp dạy học tích cực, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và hình thức tổ chức dạy học; chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh phù hợp đặc thù từng cấp học.

Ở cấp học mầm non, các trường triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) và phát triển chương trình GDMN phù hợp điều kiện nhà trường, địa phương nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; tích cực xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học, tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động và trải nghiệm. Ở các trường tiểu học, THCS, THPT, các nhà trường đã xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục linh hoạt, khoa học, phù hợp. Đặc biệt, các trường chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh; tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm khác để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đảm bảo mục tiêu hình thành phát triển phẩm chất, năng lực. Công tác hướng dẫn ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức, kỹ năng cho từng đối tượng học sinh được quan tâm đồng thời với việc đảm bảo những điều kiện cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, với phương châm phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi trên nền tảng giáo dục toàn diện và kiến thức cơ bản vững chắc, các trường đổi mới phương pháp dạy của thầy, phương pháp học tập của trò; chú trọng việc dạy chắc kiến thức cơ bản, phát triển nâng cao trên nền tảng kiến thức cơ bản. Dạy kỹ năng hình thành và rèn luyện phương pháp tư duy, trên cơ sở đó, học sinh tự vận động để tiếp nhận kiến thức mới; giáo viên, học sinh tìm tòi đa dạng hóa các hình thức dạy và học đảm bảo hiệu quả, phù hợp năng lực bản thân. Các trường cũng tổ chức cho học sinh tham gia nhiều sân chơi trí tuệ, các cuộc giao lưu, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như các cuộc thi, hội thi, giao lưu như: Hùng biện tiếng Anh; phát triển năng lực học sinh tiểu học; giải Toán và các môn Khoa học bằng Tiếng Anh cấp tỉnh; khoa học kỹ thuật (KHKT) và ngày hội STEM... Đây là những sân chơi trí tuệ bổ ích, khơi dậy đam mê khám phá, sáng tạo chơi mà học; tạo môi trường cho học sinh thể hiện năng lực và tự khẳng định mình.

Trên nền tảng chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được duy trì, phát triển vững chắc, Ban giám hiệu các trường chỉ đạo sát sao các tổ, nhóm chuyên môn và tới từng cá nhân cán bộ, giáo viên để phát triển giáo dục mũi nhọn. Với phương châm “Thầy giỏi mới có trò giỏi”, các nhà trường đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ để có nhiều giáo viên tâm huyết, giỏi chuyên môn, vững tay nghề. Trước khi bắt đầu năm học mới, các trường tổ chức tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học tới đội ngũ cán bộ, giáo viên; giao chỉ tiêu chất lượng tới từng giáo viên; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn. Thông qua việc dự giờ và giao chỉ tiêu chất lượng, các nhà trường phát hiện những giáo viên có khả năng phát triển tốt về chuyên môn để xây dựng đội ngũ nòng cốt, tổ chức bồi dưỡng và giao nhiệm vụ với các yêu cầu cao hơn, đồng thời có ghi nhận, động viên kịp thời, đầy đủ khi cá nhân đạt được kết quả tốt. Trong năm học, cô giáo Phạm Thanh Xuân Mừng, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, được tham dự tập huấn về phương pháp giảng dạy bậc trung học tại Trường Đại học công lập University of Massachusetts (Hoa Kỳ) 6 tuần. Bên cạnh đó, thông qua các bài khảo sát năng lực học sinh (cuối học kỳ 1 và cuối năm học), các cuộc thi, giao lưu, các trường đánh giá công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu của mỗi giáo viên.

Cùng với quan tâm bồi dưỡng đội ngũ, các nhà trường áp dụng phương pháp dạy học phân hóa đối tượng. Giáo viên theo sát việc học tập hàng ngày của học sinh, phát hiện và bồi dưỡng các năng lực phù hợp với mỗi học sinh, không để bỏ sót học sinh có năng khiếu; tích cực đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học và hình thức tổ chức lớp học. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, dạy chắc kiến thức cơ bản làm nền tảng phát triển nâng cao.

Không ngừng đổi mới,
nâng cao chất lượng giáo dục

Với những nỗ lực đó, năm học vừa qua, đã có hàng nghìn lượt học sinh các cấp học trong tỉnh tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi với tinh thần tự giác, cởi mở, hứng thú. Tiêu biểu như: Cuộc thi KHKT và ngày hội STEM dành cho học sinh trung học cấp tỉnh với sự tham gia của 45 trường THPT công lập và 10 Phòng GD và ĐT, có 57/87 dự án KHKT dự thi đạt giải; 45/69 sản phẩm STEM được xếp loại xuất sắc; trong đó, 2 dự án KHKT của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) được lựa chọn dự thi cấp quốc gia đạt giải Nhì và giải Tư quốc gia; Hội thi giải Toán và các môn Khoa học bằng Tiếng Anh cấp tỉnh có 601/986 học sinh tham dự đạt giải; sân chơi Trạng nguyên Tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học có 4.538 học sinh tham gia cấp tỉnh; 14 học sinh tham gia cấp quốc gia và đạt giải, trong đó có 1 giải Hoàng Giáp, 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba và 3 giải Khuyến khích; 10 học sinh tham gia giao lưu Câu lạc bộ Văn - Toán tuổi thơ cấp quốc gia đều đạt giải (4 giải Bạc, 6 giải Đồng); Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc - khu vực II có 127 học sinh tham dự thi 8 môn thi, đạt 6 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc 12 Huy chương Đồng, toàn đoàn Nam Định đứng thứ 6/12 đơn vị.

Đặc biệt, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điểm trung bình môn thi tốt nghiệp của tỉnh đạt 7,369 (cao hơn 0,26 điểm so với năm 2023), xếp thứ 2 toàn quốc (tăng 1 bậc so với năm 2023), 9/9 môn thi có điểm trung bình trong tốp 10 toàn quốc, trong đó môn Toán nhiều năm liên tục xếp thứ nhất cả nước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,95%, có 55/57 trường THPT đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Em Phạm Quỳnh Anh, Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên) là 1 trong 2 học sinh trên toàn quốc đạt điểm 10 môn Ngữ văn; em Phạm Thị Trà My, Trường THPT Giao Thủy (Giao Thủy) đạt thủ khoa khối C00 toàn quốc; các em: Nguyễn Quang Anh, Trường THPT Lê Quý Đôn (Ý Yên); Trịnh Thành Công, Trường THPT Giao Thủy B (Giao Thủy); Lê Ngọc Mạnh, Trường THPT Xuân Trường B (Xuân Trường); Tô Thị Phương Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Lê Thu Uyên, Trường THPT Xuân Trường B (Xuân Trường) đạt điểm cao nhất tỉnh các khối thi đại học truyền thống. Đặc biệt, trong số các học sinh tiêu biểu, có em Phạm Thị Trà My, Trường THPT Giao Thủy, có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, mẹ phải bươn chải kiếm sống xa nhà, nhưng bằng nghị lực, ý chí quyết tâm, em đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, trở thành thủ khoa khối C00 toàn quốc.

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, tỉnh tiếp tục duy trì thành tích trong nhóm các địa phương có tỷ lệ đạt giải cao nhất toàn quốc với tỷ lệ 88,42% học sinh đoạt giải, gồm: 8 giải Nhất, 29 giải Nhì, 23 giải Ba, 24 giải Khuyến khích, xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ thí sinh đạt giải và xếp thứ 5 cả nước về số giải Nhất. Một số đội tuyển có 100% học sinh dự thi đoạt giải như: Vật lí, Hóa học, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh. Từ kết quả kỳ thi này, tỉnh ta có 6 học sinh được chọn tham dự kỳ thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024.

Với những nỗ lực của cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành, truyền thống “Dạy tốt, học tốt” của tỉnh đang được giữ gìn, tiếp nối, để năm học tới, GD và ĐT Nam Định tiếp tục có thêm động lực tiến xa hơn, vươn cao hơn trong sự nghiệp “trồng người”.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/giao-duc/202408/khong-ngung-doi-moi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-fbd1813/
Zalo