Không ngừng củng cố, nâng tầm mối quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp
Nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945- 10/9/2024), sáng nay (10/9), tại Hội trường Tòa nhà Tổng cục Hải quan (số 9 phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội), Tạp chí Hải quan phối hợp với Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan tổ chức Diễn đàn thường niên Hải quan - Doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề: '10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp'.
Diễn đàn nhằm đánh giá kết quả chặng đường 10 năm (2014-2024) triển khai chương trình quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan định hướng kế hoạch, triển khai, nâng lên tầm cao mới mối quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan; tăng cường năng lực tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thuận lợi thương mại và phát triển kinh tế đất nước.
Phát biểu chúc mừng diễn đàn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ khẳng định: Một trong các mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 là: “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan, tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan".
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh: "Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc; nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiếp tục được ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai, tích cực đổi mới, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan.
“Với tinh thần thực hiện quyết liệt, thống nhất trong toàn ngành, tôi tin tưởng những mục tiêu và giải pháp về phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan nêu trên của ngành Hải quan sẽ tạo động lực quan trọng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ nói.
Thay mặt Ban tổ chức diễn đàn, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng cho biết: Diễn đàn thường niên Hải quan - Doanh nghiệp là sự kiện có quy mô lớn và quan trọng của Tổng cục Hải quan. Năm 2024 này, Diễn đàn xác định chủ đề “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp (2014- 2024)”. Tại diễn đàn, hy vọng cùng với các diễn giả là cán bộ lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo các Vụ, Cục cơ quan Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan địa phương, chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, khách mời... sẽ cùng nhau thảo luận, tương tác, đánh giá kết quả 10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp, cũng như thảo luận và đề xuất giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo của chương trình...
Tham dự diễn đàn có 300 đại biểu, khách mời, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí, gồm: Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, VCCI, CIEM; Doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp các ngành hàng: Chuyển phát nhanh Toàn cầu (CAPEC), các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, Thương mại điện tử, Dệt may; Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...).
Phát biểu tại diễn đàn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đánh giá rất cao tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của diễn đàn, đồng thời khẳng định việc đồng hành cùng Hải quan Việt Nam trong hành trình 10 năm đầy ý nghĩa, ghi dấu sự phát triển vững chắc của quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, IPPG là một trong những tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng đầu và lâu đời nhất Việt Nam. Năm tới chúng tôi sẽ kỷ niệm 40 thành lập Tập đoàn. Với hơn 25 ngàn nhân viên, 35 công ty con và liên doanh, chúng tôi đã vinh dự chứng kiến và đồng hành cùng sự phát triển không ngừng của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt đã chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng Hải quan – những người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong 10 năm qua, mối quan hệ giữa Doanh nghiệp và Hải quan đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, không ngừng phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô. Chúng ta đã và đang xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược, không chỉ dừng lại ở các thủ tục thông quan, mà còn là một sự hợp tác toàn diện, cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải tiến các quy trình hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ quốc tế bao gồm: chuyển đổi số, hải quan thông minh và đơn giản hóa thủ tục... Điều này đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu những sai sót, mang lại sự an toàn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Các sáng kiến như "Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên" cũng là một sự cải cách vượt bậc của Hải quan Việt Nam. Nhờ đó, các doanh nghiệp tuân thủ tốt đã có thể rút ngắn thời gian thông quan, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo lòng tin với các đối tác quốc tế.
Một điểm sáng nữa của ngành Hải quan, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, là đẩy mạnh các mối quan hệ quốc tế như sự kết nối cơ chế một cửa về C/O Form D điện tử với 9 nước ASEAN, Hàn Quốc, trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan với Liên minh kinh tế Á – Âu,... những chương trình này đã góp phần thúc đẩy việc toàn cầu hóa mang tính cạnh tranh quốc tế.
"Trong thời gian qua, cộng đồng Doanh nghiệp chúng tôi đã đánh giá rất cao ngành Hải quan vì đã rất cầu thị, lắng nghe từ các doanh nghiệp, các chuyên gia và các cơ quan quản lý về những tâm tư, vướng mắc, bất cập trong các chính sách pháp luật, và Hải quan đã có các kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, sửa đổi, bổ sung nhằm ngày càng hoàn thiện các chính sách, một cách hiệu quả hơn, trên tinh thần cùng nhau xây dựng một nhà nước Việt Nam pháp quyền minh bạch và vững mạnh", ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ.
Với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ vừa qua, ngành Hải quan đã đạt được những kết quả khả quan: như năm 2023, đã hoàn thành thu ngân sách nhà nước đạt 135% chỉ tiêu, đã xử lý nhanh chóng hơn 98% hồ sơ thông quan, trong thời gian ngắn hơn 5% so với quy định, qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí.
Để tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đã đóng góp một số ý kiến như: Ngành Hải quan cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để chúng ta có thể bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới; cần đơn giản hóa thêm thủ tục, mặc dù thời gian qua các thủ tục đã được đơn giản hóa đáng kể, nhưng vẫn còn phức tạp đối với một số loại hàng hóa đặc thù, như hàng công nghệ cao hoặc hàng hóa song dụng. Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ tại diễn đàn:
Ngoài ra, cần tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại, đảm bảo mọi hoạt động XNK đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, giúp bảo vệ quyền lợi của các Doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định. Tăng cường tự động hóa và triển khai AI, trí tuệ nhân tạo có thể được mở rộng hơn để tự động hóa nhiều khía cạnh của thủ tục hải quan như việc phát triển hệ thống quản lý rủi ro dựa trên AI sẽ giúp giảm thiểu các cuộc kiểm tra không cần thiết, tập trung vào các lô hàng có rủi ro cao, từ đó giảm thiểu sự chậm trễ cho hàng hóa ít rủi ro.
"Ngành Hải quan cũng cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), cần thêm các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho các SME đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin, việc cung cấp các công cụ số và dịch vụ tư vấn sẽ giúp các doanh nghiệp này dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan, gần đây đã có rất nhiều khu TMTD và khu PTQ đã và đang được hình thành nhưng thiếu nhiều cơ chế chính sách mang tính ưu đãi hấp dẫn, chúng tôi đề xuất Hải quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách thương mại bán lẻ rõ ràng, hợp lý , bao gồm việc thiết lập định mức mua hàng miễn thuế có tính cạnh tranh so với quốc tế và khu vực, nhằm thúc đẩy du lịch trong và ngoài nước thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bắt kịp với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,...nơi các chính sách này đang được áp dụng hiệu quả", Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương kiến nghị.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tin tưởng rằng, với sự năng động, nhạy bén và chuyên nghiệp, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đưa ngành Hải quan luôn là đơn vị đứng đầu trong cả nước về công tác cải cách, hiện đại hóa cũng như sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Tin tưởng với sự hợp tác bền chặt giữa Hải quan và Doanh nghiệp, sẽ cùng nhau xây dựng một hệ thống Hải quan tiên tiến, góp phần củng cố vai trò của Hải quan trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và Doanh nghiệp, cũng như cùng đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2024 gồm 2 phiên:
Phiên 1: 10 năm quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp: “Thúc đẩy cải cách hải quan, tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp”. Với các diễn giả: Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng сụс Hai quan; ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng, Cục Giám sát quản lý về Hải quan -TCHQ, ông Đỗ Thanh Quang, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Yoshihara Toru, Trưởng ban Hải quan - Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI)...
Phiên 2: Chiến lược phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp giai đoạn mới: “Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư làm trung tâm”.
Với các diễn giả: Ông Nguyễn Nhất Kha, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro - TCHQ; ông Đặng Thanh Dũng, Phó trưởng Ban Cải cách Hiện đại hóa Hải quan-TCHQ; ông Bùi Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến & xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)...
Trong khuôn khổ diễn đàn, Tổng cục Hải quan cũng công bố Quyết định và trao Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho các tập thể, cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong 10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp và các bên liên quan.