Không nên tự mua, tích trữ thuốc Tamiflu

Bộ Y tế cho biết, số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ đầu năm 2025, nhưng không có sự gia tăng đột biến. Chính vì vậy, người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, nhưng không nên tự mua để sử dụng hoặc dự trữ thuốc Tamiflu.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị bảo đảm cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm, nhất là thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir. (Ảnh: SK&ĐS)

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị bảo đảm cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm, nhất là thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir. (Ảnh: SK&ĐS)

Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm mùa, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.

Ghi nhận tại các cơ sở y tế cho thấy đã có những trường hợp mắc cúm biến chứng nặng, phải thở máy; tại Bệnh viện Hữu Nghị đang điều trị cho một bệnh nhân viêm phổi nặng và nấm phổi sau khi mắc cúm A; Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị tích cực cho một người bệnh trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng trên nền các bệnh huyết áp cao, bệnh Alzheimer và có kết quả xét nghiệm dương tính cúm A; Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho một số bệnh nhi cúm nặng, gặp biến chứng viêm phổi, viêm não...

Nguyên nhân số ca mắc cúm tăng là do thời tiết đang mùa đông xuân, thời điểm vi-rút cúm phát triển mạnh. Ðây cũng là thời điểm dễ xuất hiện các vụ dịch bệnh đường hô hấp, nhất là cúm A. Thời gian này là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; có sự tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng... làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Theo chia sẻ của Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Hữu Nghị), cúm A có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là viêm phổi, viêm cơ tim và tổn thương hệ thần kinh. Các đối tượng có nguy cơ cao là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, và người có bệnh lý nền.

Bệnh có thể gây ra biến chứng viêm phổi (viêm phổi do chính vi-rút cúm A hoặc viêm phổi do các vi khuẩn bội nhiễm)… có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Do vậy, khi có các triệu chứng của cúm như ho, sốt, khó thở, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý mua thuốc về uống hoặc tự theo dõi tại nhà. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách rất quan trọng, giúp ngăn chặn phần lớn các biến chứng nặng của cúm A.

PGS, TS Ðỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những bệnh nhân cúm có dấu hiệu trở nặng phần lớn là người cao tuổi, người có bệnh nền, hệ miễn dịch yếu (tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch) và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.

PGS, TS Ðỗ Duy Cường lưu ý, cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm (flu) thì là một bệnh do tác nhân là vi-rút cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.

Ở người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt, các biểu hiện cúm thường nhẹ như là sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường sẽ tự khỏi và không phải nhập viện.

Ở những người có hệ miễn dịch yếu, mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì vi-rút sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.

Trong văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mới đây, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi-rút.

Tổ chức Y tế Thế giới và các hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... cũng đã đưa ra khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm để phòng bệnh. Vắc-xin cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được vi-rút khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng.

Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đã tự đi mua thuốc Tamiflu về điều trị cúm tại nhà. Thế nhưng, các bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm khuyến cáo, việc người dân tự ý đi mua thuốc Tamiflu để tích trữ hay tự ý sử dụng là không cần thiết. 80-90% số trường hợp mắc cúm thường ở thể nhẹ, có thể tự khỏi.

Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi mới cần nhập viện điều trị và không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Tamiflu là thuốc kháng vi-rút, vì vậy nên có chỉ định dùng sớm, nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ; sử dụng thuốc không đúng bệnh, không đúng chỉ định sẽ dẫn tới lãng phí, không hiệu quả, dễ gây kháng thuốc. Ngoài ra, thuốc Tamiflu có các tác dụng phụ, cho nên không thể sử dụng tùy tiện.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir (Tamiflu) vẫn bảo đảm về nguồn cung với số lượng hơn 300.000 viên và giá bán buôn vẫn giữ nguyên. Các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt nghiêm theo Nghị định 87/2024/NÐ-CP của Chính phủ.

Ngày 12/2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản yêu cầu các đơn vị bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, nhất là đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir). Cục yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện các yêu cầu về bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng vi-rút dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, nhất là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết…); các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn; tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.

THANH MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-nen-tu-mua-tich-tru-thuoc-tamiflu-post859741.html
Zalo