Không nên 'khoan nhượng' nữa

Cuối năm việc quá nhiều, làm mãi vẫn chưa hết, thôi giải lao tại chỗ chút rồi mần tiếp.

Sách được quảng cáo bán tràn lan trên mạng, bạn đọc mong có sự quản lý rốt ráo để triệt tiêu sách rởm, sách lậu

Sách được quảng cáo bán tràn lan trên mạng, bạn đọc mong có sự quản lý rốt ráo để triệt tiêu sách rởm, sách lậu

Giải lao tại chỗ, tôi có thói quen lướt mạng chút, coi thiên hạ bàn tán chuyện làm, ăn Tết nhất thế nào. Bỗng nhảy ra trước mắt hình ảnh bộ sách lịch sử quý, nhìn xuống những dòng “còm”, thấy xuất hiện tên tuổi một số người quen có chữ nghĩa, ai cũng đánh giá đây là bộ sách đáng đọc. Mà bộ sách này tôi chưa thấy bán trên các quầy. Vậy thì sưu tập thôi. Mà cũng phải lanh tay lẹ mắt, bởi như quảng cáo, họ chỉ có số lượng giới hạn…

Mấy hôm sau shipper gọi, đúng lúc tôi đi vắng, nên bảo cứ gởi lại chỗ người quen và chuyển số tài khoản để thanh toán. Điện hỏi người nhận giúp, thấy đúng là sách, nên tôi cứ thế mà chuyển tiền. Hôm sau nhận hàng, mở gói thì mới bật ngửa, không như quảng cáo, đây là những cuốn sách copy mà thôi. Bìa xấu, giấy xấu, chữ nghĩa kèm nhèm, chưa có thời gian để đọc nên cũng không biết bên trong thế nào, có đủ chương đủ mục, chính tả ngữ pháp có lôi thôi gì không. Nhưng tiền trả rồi, nhắn hỏi thì trang im re. Đành tự trách mình… ngu, lại không khéo còn tiếp tay cho các đối tượng làm sách rởm!

Sách rởm, sách lậu thật ra là câu chuyện không mới mà từ lâu đã được xem là một vấn nạn của xã hội. Đó là hành vi vi phạm pháp luật trong chuyện xâm hại bản quyền, ăn cắp chất xám của các tác giả và nhà làm sách một cách trắng trợn. Hơn thế nữa, do chất lượng không ai kiểm soát, “sách” bị in sai, in thiếu nó làm tiêu tốn thời gian vô ích của người đọc; thậm chí có khi còn làm cho người tiếp nhận vô tình bị tiếp nhận những thông tin sai; học sinh, sinh viên phải đọc, học những kiến thức sai mà vô tình không biết. Còn các nhà xuất bản thì rơi vào tình cảnh khó khăn, đình đốn vì chiêu trò “cạnh tranh” bẩn thỉu ma giáo như vậy.

Rất nhiều diễn đàn, rất nhiều lời kêu cứu, phản đối đã phát ra, nhưng xem chừng vấn nạn sách lậu, sách rởm “miễn nhiễm”. Bằng chứng là hễ sơ sẩy một tí là người tiêu dùng, người yêu sách sẽ được nếm quả đắng lập tức do dạng sách như vậy vẫn được bán tràn lan và hoạt động ngày càng tinh vi. Hết chiêu sách “tồn kho”, sách “thanh lý”, sách “giải cứu” để đánh vào người yêu sách nhưng túi tiền không mấy rủng rỉnh (thường là thế) nên khi bắt gặp bộ sách ưng ý mà giá rẻ thì chẳng mấy lăn tăn mà mua ngay. Nay thì “sách hiếm, số lượng có hạn”, giá cũng không phải mềm mà có khi tiền triệu, đánh vào tâm lý tiền nào của ấy, tiền có thể có nhưng sách không phải bao giờ cũng gặp, vậy là mua. Đủ chiêu trò như thế, không người này thì người khác, kiểu gì cũng có người dính.

Vấn nạn diễn ra đã quá dài, đã đến lúc các cơ quan chức năng trong hệ thống nhà nước pháp quyền của chúng ta không nên “khoan nhượng” nữa. Sách rởm, sách lậu trên các quầy có lẽ đơn giản hơn, thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo kiểu bắt quả tang. Còn trên mạng? Chính phủ hiện đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Kể từ thời điểm Nghị định bắt đầu có hiệu lực (25/12/2024), trong vòng 90 ngày, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động (ĐTDĐ), hoặc bằng số định danh cá nhân (trường hợp không có số ĐTDĐ).

Với động thái này, các chiêu trò lừa đảo thông qua mạng xã hội, trong đó có chiêu trò lừa bán sách rởm, sách lậu chắc chắn sẽ bị triệt tiêu nếu các cơ quan chức năng hạ quyết tâm phối hợp để làm.

Hiền An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/khong-nen-khoan-nhuong-nua-150099.html
Zalo